Khảo sát giá gia cầm hôm nay 24/4, chúng tôi thấy giá gà, giá vịt thịt ít có biến động. Theo các chuyên gia chăn nuôi, dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra tỷ lệ chết cao trên vật nuôi nên các trại cần phải có biện pháp phòng và điều trị bệnh kịp thời mới có thể giảm thiểu được thiệt hại.
Giá gà công nghiệp chững lại
Tìm hiểu giá gà tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp lông trắng đang có xu hướng chững lại.
Giá gà trắng bán ra tại các trại loại đẹp mới được khoảng 33.000 đồng đến 34.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gà ta bán ra tại các trại ở Hòa Bình, Sơn La… vẫn duy trì ở mức từ 75.000 đồng đến 80.000 đồng/kg loại trên 5 tháng tuổi.
Giá gà lông màu bán tại trại ở các vùng phía Nam vẫn ở mức khá thấp khoảng dưới 40.000 đồng/kg.Giá gà ta lai nuôi công nghiệp trên 4 tháng bán tốt được trên 50.000 đồng/kg.
Giá gà đen đặc sản bán tại các trại cho thương lái khoảng trên 90.000 đồng/kg.
Giá gà mía số 1 bán ở các trại Bắc Giang, Hải Dương khoảng trên 80.000 đồng/kg loại trên 4,5 tháng tuổi.
Giá vịt thịt mỗi vùng một giá
So với giá thị trường ngày 23/4, giá vịt hôm nay không có biến động nhiều. Giá vịt trắng siêu thịt bán tại các trại ở Đồng Nai, Long An… khoảng trên 45.000 đồng đến 48.000 đồng/kg.
Giá vịt làm sạch lông bán ra tại các lò khoảng 53.000 đồng đến 55.000 đồng/kg; giá vịt móc làm sạch bán khoảng trên 62.000 đồng/kg.
Tại các vùng miền Bắc, giá vịt bơ cánh trắng, bơ nướng vẫn duy trì ở mức từ 30.000 đồng đến 36.000 đồng/kg; giá vịt móc tại các lò vẫn ở mức khoảng 58.000 đồng đến 62.000 đồng/kg.
Giá vịt xiêm từ 65.000 đồng đến trên dưới 70.000 đồng/kg.
Giá vịt trời có trại bán trên 100.000 đồng/con.
Giá vịt siêu trứng thải loại bán buôn cho thương lái xuất đi Trung Quốc khoảng 75.000 đồng đến 76.000 đồng/con.
Giá ngan trắng cái khoảng trên 70.000 đồng/kg.
Bệnh dịch tả trên vịt không có biện pháp điều trị đặc hiệu
Theo bà Trần Bốn, cán bộ chăn nuôi ở Bình Lục (Hà Nam), dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người nuôi do tỷ lệ chết rất cao, giảm sản lượng trứng.
Khi vịt mắc bệnh sẽ có dấu hiệu mí mắt, đầu và hầu cổ sưng, thở khò khè, chảy nước mắt mũi. Vịt bị bệnh bị tiêu chảy phân trắng xanh, trắng xám, mùi tanh, hậu môn, niêm mạc hậu môn xuất huyết. Vịt bệnh thường gầy, liệt chân, liệt cánh, nằm một chỗ, thân nhiệt giảm dần, con vật chết.
Bà Bốn cho biết, bệnh dịch tả trên vịt không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người nuôi cần phát hiện bệnh sớm và loại thải vịt bệnh, tiêm phòng nhược độc cho những con khỏe.
Để phòng bệnh cho vịt, bà Bốn khuyến cáo bà con cần thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại sạch sẽ. Chu kỳ nuôi của vịt kéo dài 42 – 53 ngày, vì vậy, đối với mỗi lứa nuôi, người nuôi cần phải sát trùng 2 – 3 lần/lứa để kiểm soát được mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường nuôi. Người nuôi có thể sử dụng một số sản phẩm sát trùng như Prophyl. Ðây là sản phẩm có phổ sát trùng rộng, tiêu diệt được nấm, vi khuẩn và một số virus gây bệnh trên vịt.
Ðể phòng bệnh dịch tả một cách có hiệu quả, bà Bốn khuyến cáo bà con có thể sử dụng vaccine Vaxiduk. Trên vịt thịt, vaccine chỉ cần sử dụng 1 lần vào lúc 7 – 10 ngày tuổi. Ðối với vịt đẻ, sử dụng vaccine 3 lần: Lần thứ 1 thực hiện vào lúc 7 – 10 ngày tuổi; Lần 2 có thể sử dụng ở 38 ngày tuổi (đối với đàn trong vùng có bệnh dịch tả hoặc đàn nuôi lứa trước có bệnh dịch tả) hoặc 10 – 11 tuần tuổi (đối với trường hợp còn lại); Lần 3 được thực hiện trước khi đẻ. Lặp lại định kỳ giữa chu kỳ đẻ để đạt bảo hộ tốt nhất.
HĐ
Nguồn: Dân Việt