Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định nên nhiều hộ chăn nuôi còn dè dặt khi tái đàn.
Sau khi xuất bán lứa heo vụ Tết, anh Đinh Văn Trạnh, ở thôn Hạ Lên, xã Sơn Màu (Sơn Tây) chưa vội tái đàn để tận dụng hết số chuồng trại hiện có, mà chỉ thả nuôi 15 con heo giống nuôi thịt. Anh Trạnh cho biết, vụ Tết vừa qua, giá heo hơi không tăng, mà giảm chỉ còn 50 – 52 nghìn đồng/kg, nên không có lãi. Do đó, vụ nuôi này, tôi thay đổi khẩu phần ăn cho heo. Từ nuôi cám công nghiệp, chuyển sang tận dụng bã rượu, bột bắp, rau chuối cây nấu cháo cho heo ăn, chỉ thỉnh thoảng bổ sung cám tổng hợp. "Nếu muốn có thu nhập từ chăn nuôi thì phải chịu khó, lấy công làm lời. Trước mắt, tôi áp dụng nuôi thử nghiệm theo hình thức bán công nghiệp để tiết kiệm tối đa chi phí. Nếu thấy phương pháp này đạt hiệu quả, tôi sẽ mạnh dạn tăng đàn”, anh Trạnh chia sẻ.
Gia đình anh Đinh Văn Trạnh, ở thôn Hạ Lên, xã Sơn Màu (Sơn Tây) thận trọng tái đàn heo sau Tết.
Gắn bó với nghề chăn nuôi gà ta thả đồi hơn 15 năm nay, nhưng bà Huỳnh Thị Sương, ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) luôn thận trọng mỗi khi bắt đầu vụ nuôi mới. Trước khi tái đàn, bà Sương tiến hành vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại và tiêm phòng đàn gà con. Bà Sương không chạy theo số lượng, mà duy trì đàn gà ở mức ổn định và chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Sương cho hay, vụ Tết vừa qua, tôi bán 2.000 con gà ta nuôi thả đồi, trừ hết chi phí thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay, giá gà vẫn giữ ở mức ổn định, dao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, sau Tết, nhu cầu thịt gà giảm nên tôi chỉ thả nuôi 1.000 con, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến thua lỗ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ, hiện nay, thời tiết đang diễn biến thất thường, các loại dịch bệnh dễ phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng khi bước vào vụ chăn nuôi mới. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 1 trong năm. “Để chăn nuôi đạt hiệu quả, người chăn nuôi phải chủ động theo dõi diễn biến thị trường và thực hiện vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho gia súc, gia cầm. Khi phát hiện đàn gia súc, gia cầm chết bất thường, hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm, người chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân, kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng”, ông Hạ khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hải Châu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi