(Người Chăn Nuôi) – Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là điều kiện cần thiết tạo ra vành đai an toàn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ðồng thời góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chuyển biến tích cực
Những năm qua, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) trên địa bàn cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập thế giới, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Theo Cục Thú y, lũy kế từ năm 2016 đến hết tháng 10/2022, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận ATDB đối với 20 bệnh, gồm: 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi heo ATDB; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Một số tỉnh, thành phố có kết quả cao với số lượng cơ sở ATDB lớn, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cũng đã đàm phán thành công về thú y để được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu hơn 430 triệu USD.
Xây dựng vùng ATDB là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Đặc biệt, điều đáng mừng là trong quá trình đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi ATDB ở một số địa phương, đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn với các tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao ở Tây Nguyên. Các dự án này đều được đầu tư rất bài bản, xa khu dân cư, áp dụng công nghệ hiện đại của châu Âu với giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng. Hay như dự án chăn nuôi của Tập đoàn Xuân Thiện cũng có quy mô rất lớn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học.
Triển khai đồng bộ
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; 5 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, Dịch tả heo châu Phi… Tại các văn bản này, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, heo, trâu, bò ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm, đồng lòng, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, các địa phương và của các bộ, ngành liên quan.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB. Mới đây, Bộ NN& PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về vùng ATDB (giai đoạn 2022 – 2030). Theo đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng ATDB tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; Tạo điều kiện nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNTPhùng Đức Tiến nhấn mạnh, muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi ATDB theo tiêu chuẩn của OIE. Do đó, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng ATDB động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp
Lê Loan