Trong thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được đầu tư và phát triển mạnh, tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động các dự án chăn nuôi lợn cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Kỳ 2: Nhiều thách thức từ các dự án chăn nuôi lợn
Trong tổng số 16 dự án chăn nuôi lợn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có 05 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 06 dự án đang thực hiện, chưa hoàn thành và đều chậm tiến độ.
05 dự án chưa triển khai thực hiện, gồm: Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao tại xã Quảng Chu của Công ty Cổ phần nông nghiệp xanh Quảng Chu; Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao tại xã Thanh Mai của Công ty Cổ phần chăn nuôi công nghệ cao Thanh Mai; Dự án trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản công nghệ cao tại xã Hòa Mục của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm xanh mặc dù đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 14/12/2021 (hiện tại cả 03 dự án trên mới ký hợp đồng thuê tư vấn khảo sát địa hình, trích đo địa chính, tư vấn lập hồ sơ môi trường, chưa hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng);
Dự án trang trại chăn nuôi lợn sạch khép kín tại thôn Đông Piầu, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn của Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế khoáng sản JSC (trước đây là Công ty CP đầu tư quốc tế Việt Hà 68) được phê duyệt đầu tư tháng 10/2017, theo tiến độ quý IV/2018, dự án hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh nhưng dự án chưa hoàn thiện các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng theo quy định, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư (hiện đang thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án); Dự án trại lợn nái và lợn thịt siêu nạc (Giai đoạn 02) tại thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH đầu tư sản xuất nông nghiệp (Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ tháng 02/2022 nhưng giai đoạn 2 chưa được triển khai thực hiện).
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc xây dựng trang trại lợn tại Chợ Đồn
Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bắc Kạn tại Báo cáo số 157/BC-HĐND ngày 20/10/2022, đối với các 5 dự án đã và đang hoạt động, qua kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi trong sản xuất lợn giống, lợn thương phẩm, vận chuyển, xuất, nhập con giống thì có 04/05 dự án thuộc đối tượng chăn nuôi quy mô lớn nhưng chỉ duy nhất có 01 dự án được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn; 03 dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận do không đủ điều kiện.
Hầu hết các trang trại lợn đã đi vào hoạt động sản xuất chăn nuôi đều có kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, Dự án đầu tư trang trại nuôi lợn thương phẩm, lợn nái ngoại thuần tại tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn; Dự án trại lợn giống và lợn thịt siêu nạc tại thôn Nà Ngài, xã Nông Thịnh (nay là Thanh Thịnh), huyện Chợ Mới không đủ điều kiện về khoảng cách với khu dân cư; Dự án trại lợn thịt siêu nạc tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông không đủ điều kiện về cách xa nguồn nước.
Mặc dù đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xử lý vi phạm, doanh nghiệp đã khắc phục nhưng vẫn không triệt để, nhất là đối với 03 trang trại đang hoạt động không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận về chăn nuôi nêu trên. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không chấp hành việc xử lý môi trường trong chăn nuôi theo quy định hoặc do trang trại chăn nuôi gần sát khu dân cư.
Đối với các dự án chưa hoàn thành thì một số nhà đầu tư chưa thật sự tích cực chủ động thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nên tiến độ triển khai thực hiện các dự án chậm; có dự án không triển khai thực hiện được do năng lực nhà đầu tư còn hạn chế và lựa chọn địa điểm không phù hợp. Công tác báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư chưa được các nhà đầu tư quan tâm, phối hợp thực hiện, nội dung báo cáo còn sơ sài, thiếu thông tin.
Đồng chí Trịnh Tiến Dũng, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh cho biết: “HĐND tỉnh tiến hành giám sát hoạt động đầu tư, chăn nuôi tại các trang trại lợn cho thấy, nhiều chủ đầu tư chậm tiến độ xây dựng; một số trang trại không đảm bảo khoảng cách đối với các khu công cộng; việc phối hợp của các chủ đầu tư trang trại còn hạn chế. Có chủ đầu tư yêu cầu chúng tôi phải cách ly 2 ngày mới được vào trang trại lợn hoặc phải cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh… gây khó cho các đơn vị quản lý nhà nước”.
Các dự án chăn nuôi lợn đòi hỏi quỹ đất khá lớn, khi thực hiện có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (môi trường đất, môi trường nước, không khí). Trong khi nhiều dự án được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; hưởng ưu đãi đầu tư về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của Chính phủ, do vậy, đóng góp cho ngân sách địa phương là không đáng kể.
Mặt khác, tại các dự án trang trại lợn đang hoạt động sản xuất đều không sử dụng thức ăn chăn nuôi có thể trồng, chế biến tại địa phương; phần lớn sử dụng lao động là người ngoài tỉnh, do lao động địa phương chưa được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi nên không đáp ứng được theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đầu tư chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị hạn chế hoặc không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi chưa có trong quy hoạch. Đối với các dự án không triển khai thực hiện tiếp tục rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ nếu không có tiến triển sẽ đề nghị tỉnh chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi đất đã giao để thực hiện dự án khác.
Có thể thấy, thu hút đầu tư vào chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đáng quan tâm, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành chức năng cần có giải pháp căn bản để quản lý, giám sát hoạt động của các trang trại nuôi lợn hiệu quả./.
Phan Quý
Nguồn: Báo Bắc Kạn