Bền vững chăn nuôi an toàn sinh học

(Người Chăn Nuôi) – Những năm qua, chăn nuôi gặp không ít khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Xu hướng tất yếu

Áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cho năng suất cao hơn, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Để đảm bảo an toàn sinh học, cần thực hiện tốt 2 vấn đề chính: Giữ cho cơ sở chăn nuôi không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các nguồn gây dịch bệnh. Đồng thời nâng cao khả năng chống bệnh của vật nuôi bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng ngừa dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

chăn nuôi an toàn sinh học

Chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Shutterstock

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi đó. Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là xu hướng tất yếu không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam cũng vậy.

 

Giải pháp hữu hiệu

Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một nông dân chăn nuôi gà cho biết: Chăn nuôi theo phương pháp truyền thống gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tăng trọng thấp… Tuy nhiên, nếu tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì con vật nuôi có sức đề kháng tốt hơn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể.

Còn một hộ chăn nuôi heo tại Thái Bình chia sẻ: “Chăn nuôi heo áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đã giúp tôi thành công. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn như: Mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly theo quy định; Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine; Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi; Phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh; Xây dựng hầm chứa chất thải hoặc xử lý bằng hóa chất; Có quy trình chăn nuôi phù hợp tùy theo giai đoạn phát triển, bổ sung men vi sinh kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn… giúp đàn heo phát triển khỏe mạnh, rút ngắn thời gian nuôi so cách nuôi truyền thống 7 – 10 ngày”.

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh với vật nuôi. Thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững.

>> Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Chăn nuôi an toàn sinh học là tiền đề cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, để nhân rộng mô hình này cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi nhằm đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành trong thời kỳ hội nhập.

Ngọc Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *