Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm này, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn đang tích cực chăm sóc đàn nuôi để xuất bán phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay một số người chăn nuôi không tăng đàn nhiều mà dè dặt duy trì đàn nuôi với số lượng nhỏ.
Lo ngại dịch bệnh và giá thức ăn cao
Sau ảnh hưởng của đợt dịch tả lợn châu Phi từ tháng 6/2022, gia đình bà Nguyễn Thị Thu, xã An Ninh, (Quảng Ninh) vẫn chưa dám tái đàn để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Bà Thu cho hay: “Mọi năm đến thời điểm này là gia đình tôi đang tập trung chăm sóc đàn lợn khoảng 60-70 con để xuất bán đúng dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi quyết định không tái đàn. Tháng 6 vừa rồi cả đàn lợn với gần 60 con của gia đình tôi sắp đến thời kỳ xuất chuồng thì bị dịch tả lợn châu Phi, chết không còn con nào, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình tôi đang phơi chuồng nuôi và khử trùng theo hướng dẫn của thú y. Dự tính 1-2 tháng nữa gia đình tôi mới bắt đầu tái đàn".
Không chỉ lo dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn cao mà lo ngại giá bán lợn thịt càng về cuối năm càng có xu hướng giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư tái đàn với số lượng nhiều.
Các trang trại công nghệ cao bảo đảm nguyên tắc phòng dịch nên duy trì đàn nuôi số lượng lớn.
Cách đây 4 tháng, trang trại gia đình chị Nguyễn Thị Chiên, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã bắt đầu tái đàn lợn mới để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nếu như mọi năm, đây là thời điểm để người chăn nuôi lợn như chị Chiên tăng số lượng đàn nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập, thì nay chị chỉ giữ nguyên số lượng đàn như đầu năm.
Chị Chiên cho biết: “Năm nay gia đình chúng tôi chỉ tăng số lượng đàn gà, còn lợn thì không dám tăng đàn. Mặc dù số lượng đàn lợn nuôi ít, chỉ 50 con nhưng tôi không dám tăng số lượng nuôi. Bên cạnh đó, giá thức ăn cao trong khi giá xuất bán lợn thịt thời điểm này xuống ở mức thấp chỉ 50.000 đồng/kg, nếu người chăn nuôi như chúng tôi cứ tăng đàn thì việc chăn nuôi sẽ không có lợi nhuận”.
Nhiều trang trại tái đàn số lượng lớn
Trong khi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám tái đàn và tăng đàn trong thời điểm cận Tết Nguyên đán vì e ngại giá thức ăn cao và dịch bệnh đe dọa thì các trang trại chăn nuôi lớn theo hướng công nghệ cao vẫn bảo đảm số lượng lớn đàn nuôi. Hệ thống chuồng trại được xây dựng hiện đại, cách xa khu dân cư và tuân thủ công tác phòng ngừa dịch bệnh giúp các trang trại này tự tin tái đàn với số lượng lớn.
Được xem là một trong những trang trại chăn nuôi được đầu tư hiện đại nhất của huyện Quảng Trạch, trang trại chăn nuôi lợn của anh Võ Đình Sửu, xã Quảng Hưng được đầu tư xây dựng 3 khu, mỗi khu rộng 4.000m2 theo mô hình khép kín. Các khu chăn nuôi được trang bị đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống sưởi và hệ thống xử lý chất thải.
“Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng hiện đại và tuân thủ biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nên trang trại của gia đình tôi sau 2 năm hoạt động chưa xảy ra dịch bệnh nào. Chính vì sự an toàn trong các khâu chăn nuôi nên mỗi đợt chúng tôi đều tái đàn với số lượng lớn. Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán năm nay, trang trại chúng tôi đang chăm sóc hơn 600 con lợn thịt, dự kiến sẽ xuất bán trong dịp gần Tết để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân”, anh Võ Đình Sửu cho biết.
Đầu tư xây dựng với số tiền 16 tỷ đồng, quy mô 5 dãy chuồng, mỗi dãy nuôi 1.200 con, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Võ Thuận, xã Tây Trạch (Bố Trạch) cũng được xem là một trong những trang trại chăn nuôi công nghệ cao có quy mô lớn và hiện đại của tỉnh.
Anh Nguyễn Đức Dẫn, Giám đốc HTX cho biết: “Trang trại chúng tôi bắt thả giống từ cuối tháng 6 với số lượng 6.000 con để phục vụ nhu cầu Tết. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi hiện nay ngoài thị trường đang cao nhưng do chúng tôi chăn nuôi số lượng lớn nên khi mua thức ăn, đại lý chỉ bán với giá 13.000-14.000 đồng/kg. Ngoài ra, trang trại được bao tiêu đầu ra nên cũng có lời. Nếu người chăn nuôi tự bỏ vốn để nuôi mà giá thức ăn cao cộng thêm giá đầu ra của lợn hơi đang giảm thì người chăn nuôi sẽ lỗ vốn”.
Bảo đảm nguồn cung dịp Tết
"Để bảo đảm đàn lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán, chi cục đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện công tác tái đàn, đặc biệt là trong các tháng cuối năm để bảo đảm nhu cầu của thị trường, trong đó chú trọng chất lượng đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh", ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm. |
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Năm 2022, lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn tiếp tục phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn do dịch bệnh xảy ra; kèm theo đó, dịch tả lợn châu Phi do chưa có vắc-xin tiêm phòng đại trà nên đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, khiến nhiều hộ đến nay vẫn chưa dám tái đàn.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ không dám tái đàn số lượng lớn. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm giá sản phẩm từ lợn có xu hướng ngày càng giảm mạnh, thấp hơn giá thành sản xuất gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
Hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ tái đàn số lượng nhỏ. Tuy nhiên tại các trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo VietGAP, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng biogas…vẫn duy trì và tăng đàn nuôi số lượng lớn. Toàn tỉnh hiện có 104 trang trại và hơn 20 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Chất lượng đàn lợn các trang trại đã được nâng cao, tỷ lệ nái ngoại đạt 36%, tăng 3% so với năm 2021. Nhiều giống lợn có năng suất, chất lượng thịt cao đã được đưa vào sản xuất đại trà, như: Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc…
Đ. Nguyệt
Nguồn: Báo Quảng Bình