Từ sau khi khống chế được Dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn có xu hướng tăng trở lại, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường. Tuy nhiên, trong chăn nuôi lợn chủ yếu sử dụng cám ăn thẳng được sản xuất từ nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp, giá thức ăn ngày càng tăng cao, dẫn đến chi phí chăn nuôi quá lớn, lợi nhuận thấp, gây tâm lý hoang mang, dè dặt tái đàn cho người chăn nuôi, khiến tổng đàn lợn chưa đạt mức cũ (400.000 con) so thời gian trước Dịch.
Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi chuyển nguồn thức ăn từ 100% sử dụng cám ăn thẳng sang tận dụng nguồn thức ăn dư thừa đã qua xử lý để làm thức ăn chính cho đàn lợn, bảo đảm đàn lợn phát triển ổn định, giá trị kinh tế cao.
Trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cảnh Hưng (Tiên Du).
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định: Nhận thấy trên địa bàn tỉnh có nhiều KCN, CCN phát triển với 950 bếp ăn tập thể trong KCN, CCN và các trường học, sử dụng hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày, lượng thức ăn thừa trong một ngày rất lớn, nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong khi đó, thức ăn thừa có thành phần chính là các chất tinh bột, đạm, rau củ quả… đáp ứng đủ dinh dưỡng cho vật nuôi khi được tái sử dụng phù hợp, đảm bảo sinh trưởng và phát triển ổn định. Trước thực tế chăn nuôi lợn, nhất là trang trại quy mô nhỏ và nông hộ đang gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao từ 15%, thậm chí có loại tăng tới 20%, giá con giống tăng, giá sản phẩm giảm thấp, làm cho người chăn nuôi thua lỗ. Cụ thể, một bao cám 25 kg khoảng 350.000 đồng theo giá thị trường, tăng khoảng 15%, khiến chi phí chăn nuôi lợn tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, sử dụng 100% thức ăn thừa đã được xử lý, chế biến để chăn nuôi lợn sẽ bảo đảm vệ sinh thú y và dinh dưỡng cho lợn sinh trưởng, phát triển, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, an toàn khi sử dụng, có chi phí phù hợp, người nuôi dễ dàng tiếp cận.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đang xúc tiến giải pháp xử lý, chế biến thức ăn thừa từ các bếp ăn tập thể thành thức ăn cho lợn. Thức ăn thừa bao gồm các chất có chứa tinh bột (cơm, gạo, bún, mỳ, khoai…), rau, thịt, cá, trứng, sữa… được thu gom từ các bếp ăn tập thể, trường học,… đóng vào thùng phân loại theo dạng rác thải hữu cơ và tập kết tại một nơi quy định, sau đó, được chuyển về trang trại, hộ chăn nuôi tiếp tục được xử lý bằng nhiệt và men vi sinh như cho vào nồi áp suất công nghiệp nấu ở nhiệt độ 800C trong vòng 20 – 30 phút, sau đó để nguội, trộn đều với men vi sinh 30 phút rồi cho lợn ăn trong ngày. Mục đích của việc xử lý thức ăn thừa là để tiêu diệt mầm bệnh và làm cho thức ăn được đồng nhất; quá trình ủ men giúp hỗ trợ tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng của lợn được tốt hơn, nâng cao sức đề kháng cũng như khả năng chống chịu bệnh tật, giảm đáng kể chi phí đầu vào. Quá trình xử lý thức ăn thừa dễ thực hiện và áp dụng được hầu hết ở các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và nông hộ.
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, việc tận dụng thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể giúp các hộ nuôi lợn cắt giảm được nhiều chi phí: thức ăn cho vòng đời 1 con lợn thịt hết hơn 3 triệu đồng nếu nuôi cám ăn thẳng, giảm xuống còn 1,3 triệu đồng, đem lại lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi. Đồng thời, tránh lãng phí nguồn dinh dưỡng và góp phần làm giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Từ lợi thế đó, hiện nay đã có 5 hộ và 2 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang áp dụng. Trong thời gian tới số lượng các cơ sở chăn nuôi sử dụng phương pháp trên chắc chắn sẽ tăng, góp phần tăng số lượng, sản lượng vật nuôi, vẫn bảo đảm chất lượng thực phẩm.
Nguồn thức ăn thừa được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi lợn có nguồn cung dồi dào, ổn định; thức ăn được tận dụng vẫn đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển ổn định cho đàn lợn. Đây là cơ sở quan trọng để ổn định thị trường cung, cầu nguồn thực phẩm từ lợn trước bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao hiện nay.
Hoài Anh
Nguồn: Báo Bắc Ninh