Bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên địa bàn 4 xã của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) gồm: Thạch Châu, Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc với 8 con bò của 7 hộ bị nhiễm bệnh. Huyện đã phân bổ gần 4.000 liều vắc-xin về các xã, thị trấn để tiêm phòng bao vây.
Sáng 20/12, đoàn công tác của Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Lộc Hà.
Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Hà đang tổ chức tiêm phòng diện rộng để bao vây, khống chế dịch.
Đoàn đã đến kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục tại thị trấn Lộc Hà và xã Bình An.
Được biết, trước đó, vào ngày 9/12, trên địa bàn Lộc Hà xuất hiện 4 con trâu, bò của 3 hộ chăn nuôi ở thôn Mỹ Hòa (xã Phù Lưu) và các thôn Bắc Kinh, Ích Mỹ (xã Ích Hậu) có biểu hiện bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Các hộ chăn nuôi này đã nhanh chóng báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y và gấp rút triển khai các biện pháp cách ly, phòng ngừa.
Đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục tại thị trấn Lộc Hà.
Nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, ngành NN&PTNT huyện Lộc Hà đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Đến chiều 10/12, kết quả xét nghiệm các mẫu được lấy đều dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên địa bàn 4 xã là Thạch Châu, Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc của huyện Lộc Hà với 8 con bò của 7 hộ bị nhiễm bệnh. Hiện nay, huyện đã phân bổ gần 4.000 liều vắc-xin viêm da nổi cục về các xã, thị trấn để tiêm phòng bao vây.
Tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm bổ sung ở các địa bàn có nguy cơ cao như: địa bàn giáp ranh ổ dịch và các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh bổ cứu thêm một số nội dung quan trọng như liều lượng vắc-xin, hồ sơ, thủ tục khi đến tiêm phòng, theo dõi sức khỏe gia súc sau tiêm phòng…
Theo dõi quá trình tiêm phòng tại cơ sở, ngành chuyên môn đã khuyến cáo và bổ cứu thêm một số nội dung quan trọng như: cần tiêm đúng liều lượng vắc-xin, hồ sơ, thủ tục khi đến tiêm phòng, theo dõi sức khỏe gia súc sau tiêm phòng…
Tiếp đó, đoàn đã đến kiểm tra tình hình kinh doanh, buôn bán gia súc tại xã Bình An. Đây là địa phương có lượng gia súc thường xuyên biến động vì các hộ kinh doanh, buôn bán nhập bò ở trong và ngoài tỉnh về trên địa bàn để trung chuyển đi các nơi, nhất là trong cao điểm dịp cuối năm. Ngành chuyên môn yêu cầu chính quyền cấp xã, cán bộ thú y phải thường xuyên theo dõi để nắm tình hình, kiểm tra thủ tục, giấy tờ đối với trâu, bò nhập từ ngoại tỉnh về… để báo cáo lên cấp huyện, cấp tỉnh.
Đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh trâu, bò tại hộ ông Lê Xuân Hộ (xã Bình An, huyện Lộc Hà).
Đoàn cũng đã đến theo dõi công tác kiểm dịch, giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ tập trung thuộc địa bàn xã Phù Lưu. Theo ghi nhận, lượng gia súc, gia cầm vào lò mổ đã tăng từ 10 – 15% và dự kiến sẽ còn tăng cao trong những ngày tiếp theo. Khi trên địa bàn huyện xảy ra dịch viêm da nổi cục, chủ lò mổ, cán bộ kiểm soát dịch bệnh đã chú ý theo dõi, tuyệt đối không để trâu, bò bị nhiễm bệnh được đưa vào giết mổ, bảo đảm sức khỏe người dân và công tác phòng chống dịch bệnh của toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị huyện Lộc Hà tập trung thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu kinh doanh, giết mổ, buôn bán sản phẩm thịt động vật còn tăng cao trong dịp cuối năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị huyện Lộc Hà tập trung thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tự giác thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; rà soát tổng đàn trâu bò để tiêm vắc-xin Lumpyvac phòng bệnh cho tất cả gia súc đủ điều kiện và phát động tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Các địa phương chưa xuất hiện ổ dịch cũng cần theo dõi tình hình chăn nuôi để chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cùng đó, các địa phương khác cũng thường xuyên theo dõi, tăng cường giám sát tại điểm giết mổ gia súc tập trung; nghiêm cấm hành vi giết mổ nhỏ, lẻ để kinh doanh tại gia đình và các cơ sở khác khi chưa được cấp phép; thành lập đoàn công tác trực tiếp theo dõi, bám nắm việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở các huyện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định để tạo tính răn đe.
Thái Oanh
Nguồn: Báo Hà Tĩnh