Với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Đậu Quốc Phú (SN 1994, xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư trại nuôi hơn 100 con lợn rừng.
Sau nhiều năm bôn ba làm nghề cơ khí cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân, anh Đậu Quốc Phú (thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, Nghi Xuân) quyết định về quê khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi gia súc.
Năm 2021, anh mạnh dạn thuê 2,5 ha đất của xã khai hoang lập nghiệp, đầu tư nuôi dê và lợn rừng. “Vùng đất đồi nằm sát bên bờ Vực Rào hoang sơ, gồ ghề nên tôi phải bỏ hơn 150 triệu đồng để cải tạo. Biết bao mô hôi công sức hơn cả tháng mới hoàn tất khu vực chăn nuôi” – anh Phú cho biết.
Với lợi thế nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, ban đầu anh nuôi thử nghiệm hàng chục con dê và 15 con lợn rừng. Sau hơn 1 năm vừa học vừa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, đàn dê và lợn rừng của anh phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Phú cho hay: “Bán hết lứa này nuôi lứa khác, trại của tôi luôn duy trì từ 35 con dê và 5 con lợn rừng nái, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 40 – 50 con. Tính ra, lợi nhuận thu về từ đàn dê và lợn rừng thương phẩm khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm”.
Nhận thấy nuôi lợn rừng dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định hơn nuôi dê nên đầu năm 2023, anh Phú quyết định vay vốn gần 700 triệu đồng tiếp tục đầu tư nuôi lợn rừng với quy mô lớn.
Vùng đất này cách xa khu dân cư, có nhiều cây tạo bóng mát phù hợp với tập tính của lợn rừng.
Sau gần 2 tháng, trại chăn nuôi có diện tích hơn 500 m2, chia thành 2 dãy nhà với 20 chuồng nuôi được xây dựng hoàn thành. Lần này anh nuôi 18 lợn nái và 40 lợn con được chọn mua tại các cơ sở có chất lượng giống đảm bảo trên địa bàn tỉnh.
Nhờ lựa chọn con giống tốt, nuôi với hình thức bán hoang dã, thả rông nên lợn có sức đề kháng, sinh sản đạt yêu cầu. Đến nay, trại của anh đã tăng lên 130 con lợn rừng, trong đó 18 con lợn nái hậu bị, còn lại là lợn thịt và lợn giống.
Anh Phú chia sẻ: “Việc nuôi lợn rừng không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. Lợn rừng có sức đề kháng cao nên cũng ít bị dịch bệnh. Tuy vậy, chuồng nuôi phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, có mái che, cao hơn 2,5m đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đối với lợn rừng khi đến kỳ sinh sản chỉ nuôi nhốt, có đèn để sưởi ấm khi nhiệt độ môi trường xuống thấp”.
Được biết, hiện anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các nhà hàng, khách sạn, các đầu mối tiêu thụ lợn rừng trên địa bàn tỉnh. “Tuần trước tôi vừa xuất bán hơn 20 con, mỗi con có trọng lượng từ 15 – 30 kg, với giá bán 130 – 140 nghìn đồng/kg lợn hơi, trừ chi phí tôi thu về gần 50 triệu đồng ” – anh Phú cho hay.
Từ nay đến cuối năm, anh sẽ xuất bán khoảng 150 con lợn rừng. Dự định sắp tới anh Phú sẽ đầu tư trồng các cây dược liệu để làm thức ăn tăng sức đề kháng, phòng bệnh tốt hơn cho đàn lợn. Anh cũng sẽ đào ao thả cá, nuôi vịt … để tận dụng chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và tăng thêm thu nhập.
Hữu Trung