(Người Chăn Nuôi) – Năm 2024 mặc dù không thực sự suôn sẻ, thế nhưng cũng là năm mà ngành chăn nuôi gặt hái nhiều thành quả, đặc biệt là phương diện xuất khẩu khi có thêm mặt hàng xuất ngoại thành công, đồng thời đàm phán có hiệu quả với nhiều thị trường trên thế giới.
1. Sản xuất duy trì đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 11, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu tăng trưởng. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11 tăng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2023 (ước tổng đàn khoảng 30 triệu con); Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, đàn gia cầm cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước (khoảng trên 513 triệu con). Sản lượng thịt các loại tăng đều, trứng ước trên 19,1 tỷ quả… Đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và dành một phần xuất khẩu.
2. Xuất khẩu thành công yến sào sang Trung Quốc
Ngày 5/1/2024, lô tổ yến sào chất lượng cao đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc được thông quan. Đây là lần đầu tiên yến sào Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch bằng đường hàng không sang thị trường trên 1,4 tỷ dân này.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho tổ yến Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chiều sâu. Hiện nay, đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc.
3. Thiệt hại lớn sau bão số 3
Bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc hồi tháng 9/2024, gây ra những đợt mưa lớn, lũ lớn làm thiệt hại nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương. Theo số liệu thống kê có khoảng 22.514 con gia súc, hơn 3 triệu con gia cầm bị chết; nhiều chuồng trại bị hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và đàn vật nuôi. Cục Chăn nuôi cũng chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại, rà soát và đánh giá nguồn cung con giống (gia cầm 1 ngày tuổi) từ các đơn vị cung cấp giống để bảo đảm cho việc khôi phục chăn nuôi. Cùng đó, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các công ty trong nước hỗ trợ (vật tư chăn nuôi và con giống) để người chăn nuôi phục hồi sản xuất.
4. Bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng chết hàng loạt
Thông tin từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, lũy kế đến ngày 26/9/2024, toàn tỉnh đã có 7.375 con bò mắc bệnh, 547 con chết, 584 con sảy thai do tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục do Công ty Navetco cung ứng. Cục Thú y bước đầu kết luận nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đến giữa tháng 10/2024 đã có 129 hộ chăn nuôi bò sữa chấp nhận mức thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ mà công ty cung cấp vắc xin đưa ra. Tổng số tiền đền bù hơn 9 tỷ đồng, công ty đã chuyển 50% số tiền đến các hộ dân.
5. Ký kết Nghị định thư xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi
Năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán và ký được các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi và cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với khỉ nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết và có hiệu lực từ ngày 6/6/2024. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp và người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao. Theo số liệu của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, số lượng khỉ xuất khẩu từ năm 2022 đến hết tháng 7/2024 là 18.711 cá thể, với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học. Còn về cá sâu, hiện tại trên cả nước có 278 cơ sở nuôi với hơn 674.000 cá thể.
6. Thâm hụt thương mại rất lớn
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cả nước 11 tháng đầu năm 2024 đạt 475,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, 11 tháng đầu năm, Việt Nam chi gần 1,6 tỷ USD nhập khẩu thịt và phụ phẩm, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng.
Chưa kể, theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam cũng phải chi hơn 4,02 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, trong khi giá trị xuất khẩu cả nước nhóm hàng này trong 10 tháng ước đạt 850 triệu USD. Tính chung với nhóm hàng thịt và sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi xuất khẩu được khoảng hơn 2 tỷ USD. Như vậy, tính riêng trong 10 tháng, ngành chăn nuôi thâm hụt thương mại 2,64 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
7. Cơ hội xuất khẩu rộng mở
Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của nước đang đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong năm 2024, Cục Thú y tiếp tục đàm phán với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm. Hai bên đã thống nhất điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Đồng thời, Cục Thú y bắt đầu đàm phán với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi của nước ta cũng đang chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa sản phẩm vào thị trường Halal, nhất là sau khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
8. Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Năm 2024, mặc dù ngành chăn nuôi đã nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Cụ thể, bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước xảy ra 1.575 ổ dịch, số lợn chết và tiêu hủy là 89.341 con. Về cúm gia cầm, năm 2024, cả nước xảy ra 14 ổ dịch cúm gia cầm tại 9 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh là 90.673 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 97.999 con. So với năm trước, số ổ dịch cúm gia cầm năm 2024 giảm 30%, nhưng số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy tăng 2,67 lần. Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng có số ổ dịch tăng hơn 2 lần và bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch tăng hơn 26% so với năm trước…
Phan Thảo