7 chiến lược dinh dưỡng phòng bệnh phù thũng trên heo con

(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù điều trị phù thũng là lĩnh vực độc quyền của các bác sĩ thú y, nhưng các hãng dinh dưỡng cũng có thể hỗ trợ bằng cách điều chỉnh công thức thức ăn để ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện hoặc giảm bớt các triệu chứng khi bệnh xảy ra.

Phù thũng là dịch bệnh phổ biến trên heo con giai đoạn trước hoặc sau cai sữa từ 1 – 2 tuần tuổi. Bệnh phù thũng gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu con heo mỗi năm trên toàn thế giới. Các triệu chứng rõ nhất gồm rối loạn hệ thần kinh, sưng húp mí mắt, tiêu chảy, đi khập khiễng, ăn kém và tỷ lệ loại thải cao. Tiêm ngừa vaccine là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, dinh dưỡng mới là giải pháp bền vững nếu bệnh phù thũng còn tiếp diễn dai dẳng.

Hiện nay có nhiều giải pháp dinh dưỡng có thể làm giảm bớt triệu chứng của bệnh phù thũng, mặc dù không ngăn ngừa hoặc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, không phải tất cả các chiến lược dinh dưỡng này đều có tác dụng ở mọi trang trại. Bệnh phù thũng do một số chủng huyết thanh của vi khuẩn Escherichia coli gây ra. Do đó, bất kỳ giải pháp dinh dưỡng nào kháng lại vi khuẩn coli (gây bệnh tiêu chảy trên heo con) hiệu quả, cũng sẽ hiệu quả trong việc kháng lại chủng huyết thanh gây bệnh phù thũng.  

dinh dưỡng phòng bệnh phù thũng

Phòng bệnh Circo virus để đem lại hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Ảnh: ST

Protein  

Chế độ ăn dư thừa protein và thiếu phụ gia kiểm soát sức khỏe đường ruột có thể gây ra bệnh phù thũng. Điều này giải thích tại sao một số loại thức ăn cho heo con chứa hàm lượng protein rất thấp và có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng của vật nuôi. Hầu hết vi khuẩn gây bệnh, gồm Escherichia coli sống nhờ vào protein, do đó để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, cần cung cấp khẩu phần ít protein. Để đạt được điều này, hàm lượng protein trong khẩu phần ăn của heo con mắc bệnh phù thũng nên giảm 2 – 4 điểm phần trăm, đồng thời tái cân bằng axit amin.

Oxit kẽm  

Bệnh phù thũng phổ biến hơn ở những khu vực hạn chế sử dụng kháng sinh và chất kháng khuẩn khác. Đơn cử, tại châu Âu, lệnh cấm sử dụng kẽm oxit gần đây làm phụ gia thức ăn đã làm gia tăng dịch bệnh tiêu chảy ở heo con. Trong đó, nhiều trường hợp heo con bị tiêu chảy liên quan đến bệnh phù thũng. Thông thường, liều lượng kẽm đủ để điều trị nhiễm khuẩn Escherichia coli là 3,000 ppm. Thực tế, một số hãng sản xuất bổ sung 3 kg kẽm oxit/tấn thức ăn, tương đương lượng kẽm 3×72%=2,160 ppm, thấp hơn mức 3,000 ppm. Kẽm oxit không chứa 100% kẽm, và các khuyến nghị nên dựa vào kẽm chứ không phải kẽm oxit.  

Kháng sinh  

Theo một nghiên cứu gần đây ở Đan Mạch, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá khả năng kháng các loại kháng sinh phổ biến của 27 dòng vi khuẩn Escherichia coli O139 gây bệnh phù thũng. Toàn bộ 27 dòng khuẩn này đều nhạy cảm với colistin, gentamicin, apramycin và amoxicillin/axit clavulanic. Vì vậy, nhiều nơi trên thế giới vẫn cho phép sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn chặn bệnh phù thũng. Tuy nhiên, cần tuân thủ quy định của bác sĩ thú y khi sử dụng kháng sinh điều trị bệnh.  

Đồng sulfat  

Nhiều khu vực cho phép sử dụng đồng sulfat với lượng đồng lên tới 250 ppm trong thức ăn hoàn chỉnh để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, châu Âu cũng hạn chế sử dụng đồng sulfat, mặc dù ở liều lượng hợp lý vẫn phát huy tác dụng bảo vệ heo con trước dịch bệnh.  

Protein thực vật  

Loại bỏ các thành phần protein khó tiêu ra khỏi khẩu phần của heo con giúp làm giảm đáng kể nguy cơ rối loạn tiêu hóa, bao gồm cả bệnh phù thũng. Ngày nay, độ tuổi heo con cai sữa có xu hướng tăng, việc sử dụng khô đậu trong chế độ ăn khởi đầu giai đoạn hậu cai sữa không còn bị hạn chế như trước đây. Ngoài ra, có nhiều chất thay thế khô đậu không mang đặc tính kháng dinh dưỡng và gây dị ứng.  

Axit hữu cơ  

Một số axit hữu cơ và phụ gian kiểm soát sức khỏe đường ruột khác có khả năng chống vi khuẩn hiệu quả vì chúng tạo môi trường không phù hợp cho sự phát triển của vi khuẩn trong hệ tiêu hóa.  

Chất xơ  

Dựa theo bằng chứng thực nghiệm, tăng chất xơ thô trong khẩu phần của heo con lên 2 – 3 điểm phần trăm giúp chống lại nhiều loại bệnh do vi khuẩn gây ra. Để tăng hàm lượng chất xơ, nhiều trại nuôi thường sử dụng lúa mạch và yến mạch xay rối vì chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các nguồn chất xơ khác. Tương tự, bột củ cải đường hoặc cám mỳ cũng hiệu quả trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, chỉ sử dụng các thành phần chất xơ từ những nguồn nguyên liệu không nhiễm độc tố nấm mốc.

Dũng Nguyên 

(Theo Allaboutfeed)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *