Giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn thiếu hụt nguồn heo giống chất lượng cao cho thị trường chăn nuôi trong nước
Tối ngày 04/10/2021, 1.250 con heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ đối tác Topigs Norsvin, được vận chuyển bằng chuyên cơ riêng từ Canada về Việt Nam, đã hạ cánh an toàn tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh). Lô heo này bao gồm 1.225 con nái cụ kỵ, ông bà sẽ được vận chuyển về Tổ hợp Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk và 25 con heo đực sẽ được vận chuyển về Trung tâm tinh heo giống Gencen tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
1.250 con heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ đối tác Topigs Norsvin được vận chuyển bằng chuyên cơ riêng từ Canada về Việt Nam.
Trước tình hình chăn nuôi trong nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh tả heo Châu Phi (ASF) suốt một thời gian dài thì song song với công tác phòng ngừa dịch bệnh, nhu cầu tái đàn hiệu quả trở nên vô cùng cấp thiết. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh trong chăn nuôi thì con giống cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi nó là tiền đề của việc sản xuất; ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và giá thành trong chăn nuôi heo; là nền tảng quan trọng duy trì sự ổn định của ngành chăn nuôi. Theo các chuyên gia về ngành heo, ở Việt Nam vẫn còn đang tồn tại rất nhiều giống heo chưa rõ nguồn gốc, dễ nhiễm bệnh, điều kiện để đảm bảo an toàn sinh học và chăn nuôi các giống heo ông bà, cụ kị còn chưa tốt. Vì thế mà việc nhập khẩu heo giống cụ kỵ, ông bà chất lượng, sau đó đưa vào những mô hình chăn nuôi đảm bảo đúng quy chuẩn và an toàn sinh học, nhằm đem đến cho thị trường nguồn con giống thương phẩm chất lượng, sạch bệnh là vô cùng cần thiết vào thời gian này, để sớm bình ổn giá heo giống đưa vào sản xuất.
Lô 1.250 con heo cụ kỵ, ông bà này được nhập khẩu trực tiếp từ thương hiệu hàng đầu về cung cấp giống heo chất lượng cao trên Thế Giới, với những đặc điểm di truyền ưu việt như:
– Đẻ con sai, nuôi con khéo;
– Độ bền khai thác heo nái cao;
– Ngoại hình heo con sinh ra đẹp, đồng đều, tăng trọng nhanh;
– Khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi của Việt Nam;
– Hiệu quả chăn nuôi cao, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận;
– Tạo ra đàn heo thịt khỏe mạnh, lớn nhanh, hệ số chuyển đổi thức ăn và chất lượng thịt tốt.
Do quá trình vận chuyển yêu cầu phải trải qua nhiều quy trình phức tạp, tỉ mỉ, nghiêm ngặt về an toàn sinh học cho lô heo nhập khẩu từ Canada về Việt Nam, tại Canada, lô heo đã được Topigs Norsvin cùng các chuyên gia kỹ thuật của De Heus tiến hành kiểm tra sức khỏe, sàng lọc kiểm soát dịch bệnh kĩ lưỡng, chặt chẽ và cách ly hoàn toàn trong 30 ngày tại cơ quan thú y Canada.
Mặt khác, với mục đích tận dụng khoảng thời gian nhiệt độ dịu mát nhất trong ngày, nhằm hạn chế tối đa tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra cho lô heo do di chuyển trong thời gian dài dưới nắng nóng ban ngày của khu vực miền Nam Việt Nam, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã chủ động sắp xếp bố trí chuyến bay về tới cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh) vào thời gian tối để kịp thời vận chuyển đàn heo về tới trang trại trong điều kiện thuận lợi nhất.
Những con heo cụ kỵ, ông bà được vận chuyển từ Canada về Việt Nam bằng thiết bị chuyên dụng.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc tiếp nhận lô heo từ sân bay và vận chuyển về trại, các nhân sự liên quan đều phải cách ly tại khách sạn, không tiếp xúc và sử dụng các sản phẩm liên quan đến thịt heo trong vòng 48h. Tất cả phương tiện vận chuyển lô heo cũng được vệ sinh sát trùng liên tục và phải cách ly riêng trong vòng 48h. Đoàn xe vận chuyển lô heo gồm có 12 xe tải, xe container, xe cẩu tự hành, ngoài ra còn được tăng cường xe dự phòng và một xe cẩu chuyên dụng đi suốt hành trình để phòng khi xe có sự cố vẫn đảm bảo việc vận chuyển được tiến hành liên tục. Để đảm bảo an toàn sinh học cho đàn heo cũng như việc chăm sóc cho heo không bị khát, đói, mệt trong quá trình vận chuyển từ Canada về Việt Nam, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã chuẩn bị một bãi xe tập kết để vận chuyển lô heo về, bãi xe tập kết được thuê mới hoàn toàn, cách ly khu dân cư, trước đó phải chưa từng có xe dừng đỗ và phải được vệ sinh sát trùng liên tục.
Đồng thời, do tính chất quan trọng của việc đảm bảo an toàn sinh học xuyên suốt chặng đường vận chuyển lô heo từ sân bay và vận chuyển về trại, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã phối kết hợp cùng sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý thú y tại các tỉnh để đoàn xe chở lô heo về trại sẽ dừng xa trạm kiểm dịch, sau khi hoàn tất kiểm tra, xử lý các thủ tục kiểm dịch sẽ xin phép ưu tiên cho đoàn xe được rời trạm nhanh nhất có thể.
Lô heo đã được Topigs Norsvin cùng các chuyên gia kỹ thuật của De Heus tiến hành kiểm tra sức khỏe, sàng lọc kiểm soát dịch bệnh kĩ lưỡng, chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn còn bố trí các xe phục vụ nước uống, xe đi trước để mở đường, kiểm tra các sự cố giao thông và chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục kiểm tra thú y tại các trạm kiểm dịch để hạn chế tối đa thời gian xe dừng đỗ trên đường.
Mặt khác, tại trang trại, các chuồng nuôi, trang thiết bị, công cụ dụng cụ chăn nuôi được sử dụng mới hoàn toàn, được phun thuốc sát trùng liên tục 7 ngày trước khi tiếp nhận lô heo về trại. Toàn bộ quần áo, dụng cụ chăn nuôi khác cũng đều phải ngâm cồn 90 độ.
Dự kiến trong tương lai, đàn heo giống ông bà, cụ kị này hằng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị thương phẩm, góp phần đáp ứng đủ nguồn heo giống chất lượng và an toàn cho thị trường chăn nuôi heo ở Việt Nam, giải quyết được thực trạng đang khan hiếm nguồn cung heo giống chất lượng cao, cho năng suất tối ưu của thị trường.
Vài nét về Dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”
“Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” là một tổ hợp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất heo giống; nhà máy giết mổ heo tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á. Dự án có tổng vốn đầu tư cả giai đoạn 2019 – 2025 khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng). Đây cũng là dự án chăn nuôi heo lớn nhất Tây Nguyên hiện nay.
Nằm trong tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, dự án trang trại heo giống cao sản Đắk Lắk có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Toàn bộ quá trình chăn nuôi và sinh sản được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về nguồn thức ăn, tiêm phòng, thao tác kĩ thuật nhằm tạo ra và đáp ứng nhu cầu tăng cao về heo giống ông bà, bố mẹ, heo giống thương phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường, hướng tới việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh.
Sau khi dự án đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị. Bên cạnh đó, dự án còn tạo ra cơ hội việc làm cho gần 300 người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Đồng thời, xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại làm mô hình chuẩn cho khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và các khu vực khác trong cả nước.