Yên Bái là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cách đây vài năm. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát song nguy cơ tái mắc cũng rất cao do nhiều địa phương trên cả nước đang có dịch xuất hiện trở lại. Tiêm vắc xin được ngành chuyên môn khuyến cáo là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch DTLCP, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm. Để chủ động phòng chống dịch, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp khuyến khích người dân tiêm vắc xin phòng chống DTLCP.
Ông Ninh Trần Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ tháng 5/2022 đến nay đã có 2 loại vắc xin DTLCP (NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vắc xin thú y.
Đây là những vắc xin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc xin thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y, cơ quan thú y các tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện tiêm vắc xin DTLCP, giám sát sử dụng, giám sát chất lượng vắc xin.
Kết quả, cả nước đã sử dụng trên 650.000 liều vắc xin DTLCP được kiểm soát chất lượng, đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố; lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vắc xin DTLCP đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Tỉnh Yên Bái, tháng 10 vừa qua, đã triển khai tiêm 160 liều vắc xin DTLCP (AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) cho lợn nuôi thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên tại 5 hộ chăn nuôi của huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái (huyện Trấn Yên 2 hộ, 76 liều; thành phố Yên Bái: 3 hộ, liều 84 liều).
Qua theo dõi, các đàn lợn sau tiêm vắc xin DTLCP đều phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vắc xin. Chi cục đã lấy 31 mẫu huyết thanh của 4 hộ sau tiêm vắc xin DTLCP để xét nghiệm kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng. Kết quả tại Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7009 ngày 7/11/2023 của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương cho thấy: kháng thể DTLCP dương tính 31/31 mẫu, đạt tỷ lệ bảo hộ 100%. Một hộ chăn nuôi ở thành phố Yên Bái đã tiêm cho đàn lợn gia đình 24 liều vắc xin DTLCP do Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất. Qua theo dõi sau tiêm phòng, lợn không thấy biểu hiện bất thường liên quan đến vắc xin.
Với mục tiêu chủ động phòng, chống bệnh DTLCP và sử dụng vắc xin DTLCP an toàn, hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời thông tin tới người dân, cơ sở, hộ chăn nuôi về vắc xin DTLCP để người chăn nuôi tự nguyện đăng ký tiêm cho đàn lợn nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, các hộ chăn nuôi chỉ tiêm vắc xin cho lợn nuôi thịt khỏe mạnh, vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất áp dụng tiêm cho lợn từ 8 đến 10 tuần tuổi còn vắc xin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất có thể tiêm cho tất cả lợn từ 4 tuần tuổi trở lên. Trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc xin cần lưu ý, có thể các đàn lợn đã nhiễm vi rút DTLCP thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
“Khi đàn lợn được tiêm vắc xin, rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. Các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình tiêm phòng vắc xin DTLCP tại cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng và phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để lấy mẫu đánh giá sau khi tiêm vắc xin.
Cùng với việc tiêm phòng vắc xin, người chăn nuôi chủ động phòng bệnh DTLCP, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn cho đàn lợn và nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết sắp tới”, ông Phương khuyến cáo.
Mạnh Cường
Nguồn: Báo Yên Bái