Xung đột Nga – Ukraine: Ảnh hưởng ra sao tới thị trường TĂCN Việt Nam?

(Người Chăn Nuôi) – Chiến sự Nga – Ukraine sẽ tác động lớn tới thị trường ngô toàn cầu, qua đó, có thể sẽ làm nóng lên thị trường ngô ở Việt Nam trong những tháng tới.

Ngô Ukraine khó về Việt Nam

Theo nhóm phân tích của Agromonitor, giai đoạn 2005 – 2010, xuất khẩu ngô của Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 6 – 8% tổng lượng xuất khẩu ngô của thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2011, nhờ việc mở rộng diện tích và năng suất, xuất khẩu ngô của Nga và Ukraine đã chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu ngô thế giới, trong đó chủ yếu từ Ukraine với sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 30 triệu tấn, đứng thứ 3 hoặc thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Argentina và Brazil.

Mặc dù mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 10 – 12 triệu tấn ngô từ thị trường thế giới nhưng lượng ngô Việt Nam nhập từ Nga/Ukraine là không đáng kể, chiếm khoảng 3% trung bình giai đoạn 2016 – 2021.

Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ngô từ Nga về mức 0% kể từ 5/10/2016, cạnh tranh hơn nhiều so với ngô Nam Mỹ/Mỹ nhập khẩu đã từng khiến nhập khẩu ngô Nga về Việt Nam có xu hướng tăng mạnh vào năm 2017 nhưng so với tổng lượng nhập của thị trường thì vẫn không đáng kể. Chất lượng ngô Nga/Ukraine cùng những vấn đề về cỏ dại khiến các nhà nhập khẩu Việt Nam không chuộng nhập ngô chủng loại này.

Tuy nhiên, trước thời điểm Nga tấn công Ukraine, vài đơn vị thương mại của Việt Nam đã ký mua 2 tàu ngô Ukraine trong bối cảnh nguồn cung ngô Nam Mỹ khan hiếm/giá cao cũng xu hướng tăng mạnh của giá ngô tại thị trường nội địa do tồn kho cạn kiệt. Mức giá ký mua được đồn đoán quanh 340 USD/tấn CNF, tương đương giá tại cảng 8.100 đồng/kg. Tuy nhiên, căng thẳng Nga và Ukraine leo thang có thể khiến cho các tàu ngô này khó rời cảng trong tháng 3 để về Việt Nam.

 

Thị trường ngô Việt sẽ nóng lên?

Tính tới trước khi xung đột xảy ra, Ukraine đã xuất khẩu được gần 20 triệu tấn ngô cho năm marketing 2021/2022, chiếm gần 60% tổng lượng ngô xuất khẩu dự kiến và còn khoảng 13,7 triệu tấn ngô khả dụng cho xuất khẩu những tháng còn lại, tương đương lượng xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn/tháng. Đối với Nga, lượng ngô đã xuất khẩu đạt khoảng 2,2 triệu tấn và còn khoảng 2,3 triệu tấn khả dụng để xuất khẩu – tương đương lượng xuất khẩu trong 1 tháng của Ukraine.

nhập khẩu ngô

Do các cảng nước sâu của Ukraine đồng loạt đóng cửa từ khi xung đột xảy ra nên những nước nhập khẩu ngô nhiều nhất từ Ukraine gồm Trung Quốc, EU, Ai Cập, Iran sẽ chịu tác động trực tiếp từ việc nước này tạm ngưng xuất khẩu.

Bên cạnh sự gián đoạn về nguồn cung xuất khẩu thì việc cuộc chiến kéo dài sẽ mang lại những thiệt hại về hạ tầng, con người, cùng việc dân di cư sang các nước lân cận nhiều hơn có thể khiến cho việc gieo trồng ngô vụ mới tại Ukraine bị ảnh hưởng. Theo dự kiến, nông dân Ukraine sẽ trồng ngô vụ mới vào đầu tháng 4/2022.

Nguồn cung ngô của nước xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới có nguy cơ bị gián đoạn kéo dài, cùng những thiệt hại tiềm tàng cho sản lượng ngô vụ mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu lớn, trong đó có Trung Quốc – nhà nhập khẩu ngô lớn nhất của Ukraine phải chuyển hướng sang mua ngô Mỹ hoặc các nguồn gốc khác nhiều hơn, đẩy giá ngô xuất FOB của các nguồn gốc này tăng.

Giá dầu và giá khí đốt tăng vọt sẽ tạo áp lực lớn lên giá phân bón và cước phí vận chuyển hàng cont/tàu.

 Sự gián đoạn xuất khẩu tại Nga/Ukraine sẽ khiến cho chuỗi giao thương hàng hải quốc tế bị ảnh hưởng cũng đẩy giá cước tàu tăng,

Giá phân bón tăng/sự thiếu hụt nguồn cung phân bón sẽ tác động trực tiếp tới việc thu hẹp diện tích trồng ngô tại Brazil/Mỹ do chi phí đầu tư tăng mạnh. Năm 2021, Nga là nhà cung ứng phân bón lớn nhất cho Brazil với thị phần khoảng 22% và là nhà cung ứng phân bón lớn thứ 2 cho Mỹ với thị phần khoảng 13%. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng lớn của Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT có thể gây khó khăn cho các hoạt động xuất khẩu/thanh toán quốc tế. Hiện, Mỹ đang chuẩn bị xuống giống ngô vụ 2022/2023 trong trong khi Brazil cũng đang bắt đầu trồng ngô vụ 2022/2023.

Giá ngô thế giới cao, sự chậm trễ trong việc ký mới cùng những bất ổn tới từ dòng chảy ngô toàn cầu có thể khiến cho nhập khẩu ngô của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 rơi xuống mức thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tương đương mức giảm gần 28% so cùng kỳ năm trước.

Trong trường hợp các tàu ngô Argentina chịu ảnh hưởng chung từ việc gián đoạn dòng chảy ngô toàn cầu sẽ khiến các tàu về trong tháng 4, 5, 6 bị trễ so với dự kiến, thị trường ngô Việt Nam sẽ tiếp tục nóng lên.

Theo Agromonitor, 2 tháng đầu năm 2022, giá ngô tiếp tục tăng thêm 8 – 9% so mức bình quân năm 2021, tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp TĂCN lẫn người chăn nuôi.

Hải Băng

(Theo Agromonitor)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *