Đa số sản lượng mật ong tại Việt Nam hiện đang cung cấp cho thị trường xuất khẩu, trong đó chủ yếu là thị trường Mỹ. Năm 2021, ngành nuôi ong gặp khủng hoảng lớn khi nước này điều tra chống bán phá giá và áp dụng mức thuế cao với sản phẩm mật ong của Việt Nam.
Ngành nuôi ong tiếp tục gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến người nuôi ong bỏ nghề hàng loạt. Cung giảm hơn cầu đang là nguyên nhân khiến giá mật ong trên thị trường hiện nay tăng cao nhưng người nuôi vẫn khó khôi phục sản xuất.
Xuất khẩu gặp khó
Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%. Sau đó, mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Mỹ áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, xuống còn 58,74-61,27%.
Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam ở thế yếu khi cạnh tranh với mật ong của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam lên 58,74-61,27%. Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.
Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới ngày càng khốc liệt. Các nước nhập khẩu mật ong áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng gia tăng các hàng rào kỹ thuật với mặt hàng này. Đây không chỉ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong mà đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân nuôi ong.
Khách hàng chọn mua mật ong tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Bà Huỳnh Thị Ngọc, chủ Cơ sở mật ong Ngọc Thụy tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) chia sẻ, gia đình hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong cũng như kinh doanh mặt hàng này. Chưa bao giờ thị trường xuất khẩu lại gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mật ong lớn trên địa bàn tỉnh giảm quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa.
Cũng theo bà Ngọc: “Tập quán nuôi ong của Việt Nam theo kiểu du mục, sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đến những vùng có nguồn hoa cỏ và cây trồng tiết mật lớn để cắm trại. Sinh hoạt của các trại nuôi ong thường tạm bợ, đơn sơ. Trong khi đó, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu mặt hàng này ngày càng cao đối với quy trình nuôi, nhất là vấn đề vệ sinh thực phẩm”.
Người nuôi ong khó trụ lại với nghề
Hiện nay, giá mật ong bán tại các trại nuôi đang được thương lái, doanh nghiệp thu mua với mức cao hơn nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, người nuôi ong buồn nhiều hơn vui vì lợi nhuận đạt được không như mong đợi.
Giám đốc HTX Nông nghiệp nuôi ong – thương mại dịch vụ Hàng Gòn Nguyễn Tấn Minh cho biết, giá mật ong bán tại trại nuôi tăng lên khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do nguồn cung giảm mạnh vì vụ thu hoạch vừa qua, người nuôi ong mất mùa nặng do bất lợi về thời tiết và ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hiện tại đang là mùa nuôi ong không phải mùa thu mật, chỉ những trại nuôi còn trữ mật thì mới bán được với mức giá có lợi nhuận tốt. Ngoài ra, giá thành sản xuất 1 lít mật tăng lên 10-15% so với trước vì mọi chi phí đầu vào đều tăng cao cũng gây không ít khó khăn cho người nuôi.
Đồng Nai là một trong những tỉnh nuôi ong và xuất khẩu mật lớn của cả nước. Trong đó, nhiều trại nuôi có quy mô lớn với những nông dân gắn bó hàng chục năm với nghề. Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều hộ nuôi lâu năm đã bỏ nghề không trụ được qua đợt dịch. Đến khi thị trường khởi sắc lại, họ không còn vốn để gầy lại đàn nuôi mới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, một hộ nuôi ong lâu năm tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) chia sẻ, nghề nuôi ong từng là nghề mang lại thu nhập tốt cho nông dân. Nhưng vài ba năm trở lại đây, người nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường rớt giá. Gần đây nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khi nghề này đòi hỏi người nuôi phải di chuyển trại ong đi khắp nơi.
Ngoài ra, nghề này cũng ngày càng rủi ro vì có thể mất trắng trại ong khi dời trại đến vùng hoa vừa bị xịt thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Theo đó, nhiều trường hợp con ong đã “ăn mất nhà, mất đất”, nhiều người gắn bó bao nhiêu năm với nghề sau đợt khó khăn vừa qua hiện không còn đủ vốn giữ nghề nuôi.
Tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây tỉnh Đồng Nai tổ chức tại TP.Long Khánh vào tháng 6-2022, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên xuất khẩu mặt hàng mật ong đã tham gia giới thiệu mặt hàng mật ong và các sản phẩm từ nghề nuôi ong đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong, nhu cầu tiêu thụ mật ong tại thị trường nội địa hiện đang tăng nhanh. Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mật ong ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, đa dạng thêm sản phẩm nhằm tăng thị phần tiêu thụ tại thị trường trong nước.
|
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai