(Người Chăn Nuôi) – 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi Việt Nam duy trì trạng thái ổn định trong bối cảnh thị trường đối mặt nhiều biến động về giá, dịch bệnh và áp lực chi phí sản xuất. Bức tranh xuất khẩu tiếp tục ghi nhận những điểm sáng, góp phần tạo đà phục hồi và phát triển cho ngành.
Theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thị trường chăn nuôi trong nước trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, dù vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn như biến động thời tiết, chi phí đầu vào tăng cao và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu.
Biến động giá cả: Thịt lợn chững lại, gia cầm biến động trái chiều
Giá thu mua lợn hơi trong nước ghi nhận diễn biến trái chiều tại các vùng miền. Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg, dao động ở mức 68.000 – 69.000 đồng/kg. Trong khi đó, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam lần lượt ghi nhận mức giảm 500 – 1.000 đồng/kg, đưa giá về ngưỡng 68.000 – 73.000 đồng/kg và 71.000 – 73.000 đồng/kg. Diễn biến này phản ánh tình trạng sức mua suy yếu trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng thịt lợn.
Ngược lại, giá gà thịt lông màu đồng loạt tăng trên cả ba miền. Giá tại miền Bắc tăng 2.000 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg, trong khi miền Trung và miền Nam tăng 1.600 đồng/kg, lần lượt đạt 49.000 đồng/kg và 51.000 đồng/kg. Đây được coi là điểm sáng của ngành gia cầm trong tháng 6.
Tuy nhiên, giá gà công nghiệp lại có diễn biến phân hóa. Miền Bắc ghi nhận mức tăng 2.000 đồng/kg, đạt 26.000 đồng/kg. Trái lại, miền Trung và miền Nam lần lượt giảm mạnh 6.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg, đưa giá về mức 26.000 – 27.000 đồng/kg.
Thị trường quốc tế: Giá thịt lợn và bò tăng trên sàn CME
Trên thị trường quốc tế, giá thịt lợn và bò sống kỳ hạn tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao. Cụ thể, giá thịt lợn kỳ hạn tháng 7/2025 trên sàn CME tăng 7,25 US cent/pound, lên mức 112,175 US cent/pound. Tương tự, giá bò sống kỳ hạn tháng 8/2025 cũng tăng 2,325 US cent/pound, đạt 211,675 US cent/pound.
Sự gia tăng này được lý giải là do nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa hè, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, kéo theo xu hướng tăng giá thịt trên phạm vi toàn cầu.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: ST
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mở rộng
Dù gặp nhiều thách thức, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 ghi nhận đà tăng trưởng tích cực. Giá trị xuất khẩu trong tháng 6 ước đạt 49,2 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 264,4 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong cơ cấu xuất khẩu, sữa và sản phẩm từ sữa đạt 46,1 triệu USD, giảm 27,8%; trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm phụ sau giết mổ (gồm nội tạng, phụ phẩm động vật) tăng mạnh, đạt 101,4 triệu USD, tương đương mức tăng 28,2%. Sự dịch chuyển này cho thấy sự thích ứng linh hoạt của ngành chăn nuôi trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động.
Nhập khẩu tăng, tập trung vào sữa, thịt và thức ăn chăn nuôi
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục tăng đáng kể. Trong tháng 6, giá trị nhập khẩu đạt 383,3 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng lên 2,11 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa tăng tới 40,1%, đạt 749 triệu USD; nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt đạt 872,8 triệu USD, tăng 14,5%.
Bên cạnh đó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù giảm về tổng thể, giá trị nhập khẩu từ thị trường Argentina tăng mạnh 53,8%, chiếm gần 42% thị phần; trong khi nhập từ Mỹ và Brazil lần lượt giảm 35,2% và 11,3%.
Nhập khẩu các mặt hàng ngô, đậu tương, lúa mì ổn định
Trong đó, nhập khẩu ngô tháng 6 đạt 900.000 tấn, trị giá 231,3 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đạt 4,9 triệu tấn và 1,27 tỷ USD, tăng 1% về lượng và 4,3% về giá trị. Giá nhập khẩu bình quân đạt 258,8 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Hai thị trường nhập khẩu chủ lực là Argentina (49,8%) và Brazil (24,1%).
Đối với đậu tương, Việt Nam nhập khẩu 380.000 tấn trong tháng 6, trị giá 168,1 triệu USD. Tính chung 6 tháng, tổng lượng và giá trị nhập khẩu đạt 1,3 triệu tấn và 597,1 triệu USD, tăng lần lượt 23,2% và 5,9%. Giá bình quân giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ và Brazil tiếp tục là hai thị trường cung cấp chính với thị phần lần lượt là 48% và 39,1%.
Nhập khẩu lúa mì trong tháng 6 ước đạt 340.000 tấn, trị giá 94,1 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 3,1 triệu tấn lúa mì với giá trị 823,1 triệu USD, giảm nhẹ cả về khối lượng (-1,3%) và giá trị (-4,5%). Thị phần lớn nhất thuộc về Brazil (34,9%), theo sau là Australia, Mỹ và Canada.
Nhìn chung, ngành chăn nuôi Việt Nam đang duy trì sự ổn định tương đối, với những điểm sáng về xuất khẩu và khả năng thích ứng tốt trước biến động thị trường. Tuy nhiên, áp lực từ chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, sự lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, cũng như nguy cơ dịch bệnh vẫn là những thách thức lớn của chăn nuôi nước ta trong thời gian tới.
Để phát triển hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng vị thế trên thị trường quốc tế, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng suất, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững và chủ động thị trường xuất khẩu.
Thùy Khánh