Xuất khẩu chăn nuôi 8 tháng đầu năm tăng 0,3%

(Người Chăn Nuôi) – Trong 8 tháng đầu năm, hầu hết xuất khẩu các nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp đều tăng, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6%; trong đó giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt 324 triệu USD, tăng 0,3%. 

Theo số liệu mới nhất từ Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 28,28 tỷ USD, xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với tháng 8/2023, riêng chăn nuôi đạt 46,5 triệu USD (giảm 4,8%). 

xuất khẩu chăn nuôi

Trong rổ thực phẩm, thịt heo chiếm 65% chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ảnh: ST

Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, Việt Nam cũng đã chi ra gần 1,08 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng đến 20,3%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam đạt 105 triệu USD. Như vậy, nước ta đang nhập siêu khoảng 970 triệu USD các loại thịt và sản phẩm thịt. Cụ thể, chúng ta nhập khẩu thịt heo, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh; nhập khẩu các phụ phẩm ăn được của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề,… Ước tính, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, phụ phẩm từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm từ chăn nuôi cho nước ta. 

Trong tháng 8, giá cả trong nước giữ ở mức tương đối ổn định, một số mặt hàng giảm nhẹ so với tháng trước, điển hình như giá thịt heo hơi giảm do dịp lễ Vu Lan, nhu cầu tiêu thụ ít (giá trung bình từ 61.000 – 64.000 đồng/kg, giảm so với tháng trước từ 2.000 – 2.800 đồng/kg).

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ Điều hành thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ về giá cả và nguồn cung các hàng thiết yếu, như lúa gạo, thịt heo, rau quả, thủy sản,… Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu (đối với các thị trường như Trung Quốc , Hàn Quốc, EU, Nhật Bản). Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phát triển thị trường nông sản.

Đồng thời tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Tận dụng các FTAs, đặc biệt là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. 

Nhận định về tình hình phát triển của lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi Việt Nam đang có những bước phục hồi tích cực sau những khó khăn trong vài năm qua. Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024, Thứ trưởng cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp chủ chốt nhằm đối phó với các thách thức và tận dụng cơ hội phát triển. 

Cụ thể, trước mắt cần bám sát các nội dung trong chiến lược 1520 phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phê duyệt. Đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học gắn với phòng chống dịch bệnh, kiểm soát buôn lậu một cách chủ động. Bên cạnh đó, phải có một ngành công nghiệp giống, vì con giống sẽ quyết định năng suất, chất lượng. Cùng với đó là phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi chứ không thể nhập mãi bởi điều này ít nhiều sẽ đẩy giá thành sản xuất lên cao. Ngoài ra, Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành chăn nuôi muốn giá trị gia tăng cao thì cần tăng cường chế biến sâu. Khai thác tốt lợi thế của các thị trường xuất khẩu như thị trường Hồi giáo cũng là một gợi ý để các doanh nghiệp mở rộng giao thương.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *