(Người Chăn Nuôi) – Sự phát triển của ngành chăn nuôi đã tác động trực tiếp đến mức độ gia tăng lượng chất thải ô nhiễm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, người dân cũng đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra. Để khắc phục thực trạng này, cần có những biện xử lý nguồn chất thải phù hợp.
Thực trạng môi trường chăn nuôi
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, trong giai đoạn 2019 – 2023, mỗi năm có trung bình 63,2 triệu tấn phân và trên 348,9 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.
Trong số 63,2 triệu tấn chất thải rắn từ các vật nuôi chính, thì heo chiếm 39%, 37% từ bò, 18% từ trâu và 6% từ gia cầm. Trong số 348,9 triệu m3 nước thải, 90% từ chăn nuôi heo. Một phần trong số này được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo hoặc là nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ.
Đối với phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi, năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm 2 nguồn chính, khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân của vật nuôi. Lượng phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi chiếm 19% so với toàn ngành nông nghiệp.
Tận dụng chất thải từ chăn nuôi có thể tạo ra nguồn năng lượng tái chế hữu ích. Ảnh: ST
Kết quả kiểm kê cho thấy, phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi heo luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Do số lượng chăn nuôi bò ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 250.000 tấn/năm, bò sữa khoảng 20.000 tấn/năm.
Đối với chăn nuôi heo, một con heo phát thải khoảng 4,84kg CO2 tương đương/kg thịt. Nếu tính trung bình khối lượng heo tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con heo phát thải khoảng 438 kg CO2 tương đương khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Như vậy, với số lượng đầu heo xuất chuồng của chúng ta dao động khoảng 50 triệu con trong 3 năm trở lại đây thì hằng năm, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi heo là lớn nhất với khoảng 22 triệu tấn CO2 tương đương.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời điểm tháng 7/2022, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường. Trong đó, tỷ lệ hộ chăn nuôi xử lý chất thải trong chăn nuôi heo là 86%. Số trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ 95%.
5 biện pháp xử lý chất thải phổ biến
Hiện nay, trong lĩnh vực chăn nuôi, có nhiều phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, người nuôi có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện của gia đình, trang trại.
Công nghệ khí sinh học: Hiện nay, việc xử lý chất thải bằng hệ thống khí sinh học biogas đang được nhiều gia đình ưa chuộng. Đây là giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu sự thoát ra môi trường của khí mê tan (khí này có khả năng tạo hiệu ứng nhà kính và góp phần làm nóng trái đất). Hệ thống khí sinh học biogas không chỉ giúp cơ sở chăn nuôi và các hộ gia đình thu gom và xử lý chất thải mà còn tạo ra khí đốt hoặc nguồn điện.
Theo số liệu báo cáo của các tỉnh thời điểm tháng 7/2022, cả nước có trên 550.000 công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ và gần 200.000 công trình khí sinh học sử dụng công nghệ HDPE quy mô trang trại. Trong đó, chăn nuôi heo chiếm 82,5% tổng số công trình khí sinh học.
Đệm lót sinh học: Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là phương pháp sử dụng các phế thải từ chế biến lâm sản như mùn cưa, phôi bào hoặc chế phẩm trồng trọt cắt nhỏ kết hợp với chế phẩm sinh học. Phương pháp này có thể tạo ra một lượng lớn vi sinh vật có lợi trong đường ruột, ức chế những vi sinh vật gây hại. Những vi sinh vật này sẽ phân giải chất hữu cơ trong chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phương pháp thường được áp dụng tại vùng nông thôn, tuy nhiên, việc sử dụng đệm lót sinh học yêu cầu địa hình cao ráo và hiệu quả trong việc làm mát do cản trở nước và nhiệt.
Tính đến tháng 7/2022, cả nước có trên 12 triệu m2 diện tích đệm lót sinh học được áp dụng ở cả quy mô nông hộ, trang trại, trong đó quy mô nông hộ chiếm trên 75%. Đệm lót sinh học chủ yếu áp dụng cho chăn nuôi gia cầm (chiếm 94%), heo (chiếm 4%), bò (2%) và các loại vật nuôi khác không đáng kể.
Nông dân nuôi gà trên đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Hậu.
Ủ bán phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón: Đây là biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi truyền thống được người chăn nuôi áp dụng phổ biến. Trên 2,54 triệu hộ chăn nuôi và 135.000 trang trại chăn nuôi thực hiện ủ phân vật nuôi làm phân bón hữu cơ, tỷ lệ áp dụng biện pháp này là 43% đối với gia cầm, 22% đối với heo, 23% đối với bò và 11% đối với trâu, đối với vật nuôi khác không đáng kể.
Công nghệ vi sinh: Cả nước có trên 233.000 hộ chăn nuôi và trên 11.000 trang trại chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi. Trong đó, tỷ lệ hộ chăn nuôi heo sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý môi trường chiếm 30%.
Ngoài ra, việc nuôi côn trùng như giun quế, ruồi lính đen để xử lý chất thải chăn nuôi cũng đang được một số cơ sở chăn nuôi áp dụng. Đây đều là nguồn tài nguyên dồi dào tại Việt Nam bởi điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho chúng phát triển, việc tận dụng nguồn tài nguyên này để xử lý chất thải chăn nuôi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người mà không để lại những hậu quả về môi trường đất và không khí.
Minh Khuê