Xử lý bệnh đóng dấu heo

(Người Chăn Nuôi) – Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở heo 3 – 12 tháng tuổi, thường xuất hiện vào mùa nóng khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết và các yếu tố stress khác.

Nguyên nhân

Bệnh do trực khuẩn gram (+) Erysipelothiix rhuiopathiae gây ra. Vi khuẩn đóng dấu có nhiều chủng khác nhau, có nhưỡng chủng có độc lực cao. Vi khuẩn có nhiều trong đất, nước, phân… Vi khuẩn gây bệnh đóng dấu ở heo có sức đề kháng rất cao, sức sống dẻo dai. Tuy nhiên, chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ > 700C.

Trong điều kiện tự nhiên heo thuần chủng 3 – 12 tháng tuổi dễ bị nhiễm bệnh. Bệnh ít gặp ở heo dưới 12 tuần tuổi do có sự bảo hộ của kháng thể từ heo nái truyền qua sữa non. Heo choai, heo nái không được tiêm phòng, nhất là khi đã đẻ đến lứa thứ tư rất dễ mắc bệnh. Ngoài heo ra bệnh đóng dấu heo còn có thể thấy ở gia cầm (đặc biệt là thủy cầm, chim câu, gà tây…), bò, dê, ngựa, chó và kể cả người.

 

Đặc điểm dịch tễ

Vi khuẩn luôn có trong cơ thể heo và môi trường do được bài tiết qua nước bọt, phân hoặc nước tiểu trong đó phân là nguồn lây nhiễm chính.

Nguồn bệnh chủ yếu là heo bị bệnh, xác chết vì bệnh đóng dấu, sau đó là heo khỏe mang trùng thải căn nguyên ra môi trường bên ngoài qua phân, chất tiết, ra từ miệng, mũi…

Nguồn bệnh thứ yếu là môi trường, dụng cụ, thức ăn, nước uống, côn trùng bị nhiễm mầm bệnh hoặc do người chăn nuôi bị phơi nhiễm. Đường xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể vật chủ chủ yếu qua đường tiêu hóa, một số trường hợp xâm nhấp qua vết thương ở da, niêm mạc.

Bệnh chỉ xảy ra trong mùa nóng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, thức ăn, nước uống, vận chuyển, chuyển chuồng, tiêm phòng. Do đó dịch tễ bệnh có 4 điểm cần lưu ý là:

– Bệnh xảy ra chủ yếu ở heo nuôi vỗ béo, heo thịt;

– Bệnh xảy ra mang tính đột ngột và lây lan chậm;

– Bệnh luôn gắn với mùa khí hậu nóng, khô hoặc chuyển mùa thời tiết (stress);

– Bệnh có tính cục bộ địa phương và thường hàng năm hay lặp lại (dịch địa phương);

– Đôi khi, bệnh đóng dấu heo xuất hiện như một bệnh thứ phát từ các bệnh dịch tả, xoắn khuẩn, ký sinh trùng…

 

Triệu chứng

Thể cấp tính: Sốt đột ngột 40 – 420C; Chậm chạp, thẫn thờ; Biếng ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn; Dáng đi khó nhọc, khập khiễng; Có thể có ỉa chảy (ở những heo choai); Sảy thai ở những nái đang mang thai hoặc đẻ thai gỗ. Trên da xuất hiện những nốt ban màu đỏ, hình thù đặc trưng: Hình vuông, hình thang. Trường hợp nốt ban màu đỏ tía báo hiệu trước con vật đang ở thể cấp tính tử vong. Sau vài ngày tại ví trí ban xuất huyết lớp da sẽ bị hoại tử, khô và bong đi.

đóng dấu heo

Các triệu chứng ngoài da của bệnh đóng dấu heo

Thể á cấp tính: Các dấu hiệu nêu trên xuất hiện ở mức độ ít nghiêm trọng hơn. Vật ăn uống bình thường, thân nhiệt tăng nhẹ. Tổn thương trên da xuất hiện ít, khó phát hiện.

Thể mãn tính: Sau 3 tuần mắc bệnh, nếu vật qua khỏi, bệnh sẽ chuyển sang thể mãn. Giai đoạn này dấu hiệu điển hình là con vật bị què, đi lại khập khiễng, khớp bị sưng và cứng. Hậu quả do viêm khớp mãn tính gây ra.

 

Chẩn đoán phân biệt

Dựa vào triệu chứng lâm sàng bệnh: Cần phân biệt với một số bệnh như:

– Bệnh Dịch tả heo: Khi điều trị không giảm vì đặc thù bệnh do virus.

– Bệnh tụ huyết trùng: Liệu trình điều trị dùng thuốc giống như bệnh đóng dấu heo sẽ khỏi nếu phát hiện sớm điều trị kịp thời.

– Bệnh phó thương hàn: Do giai đoạn tuổi mắc bệnh 15 – 30 kg/con còn bệnh đóng dấu thường lớn hơn nên phân biệt độ tuổi (qua thời gian).

 

Bệnh tích

Da có dấu đa dạng, tím bầm, dễ nhận biết.

– Tổ chức liên kết dưới da thẩm dịch nhớt, keo nhày.

– Phổi viêm, tụ máu.

– Lách sưng to, tụ máu. Bề mặt lách xuất hiện những đám tụ huyết nổi lên.

– Thận sưng, trên bề mặt quan sát thấy các đám tụ máu, hình vuông hoặc tròn.

– Các cơ quan bộ phận khác chủ yếu là hiện tượng tụ máu,

– Viêm tăng sinh bao khớp.

 

Phòng bệnh

Các giải pháp tổng hợp về việc triển khai thực hiện công tác vệ sinh thú y trong khu chăn nuôi phải được triển khai thường xuyên và nghiêm túc. An toàn sinh học là kết quả cuối cùng của công tác vệ sinh thú y và kỹ thuật chăn nuôi bền vững. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, đặc biệt là khi giao mùa và khi thay đổi thời tiết.

Rửa dọn chuồng, xử lý phân và nước thải hàng ngày. Tiến hành tiêu độc, khử trùng, vệ sinh tổng thể chuồng trại, thiết bị chăn nuôi định kỳ 1 lần/tuần. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, khô ráo và thoáng mát. Hạn chế cho người lạ, vật nuôi ra vào khu vực chuồng trại. Khử trùng trước khi vào chăm sóc và cho ăn. Phòng bệnh cho heo con bằng cách cách ly các đàn heo mới nhập trại, sau khi theo dõi và phòng bệnh mới đưa về gian chuồng nuôi.

Tiêm phòng đầy đủ cho heo nái trước khi cho phối giống, chửa đẻ để heo con được phòng bệnh ngay từ khi sinh ra. Những ngày đầu sơ sinh heo con có sức đề kháng kém hơn, vì vậy cần phòng bệnh cho heo con bằng cách tiêm phòng cho heo nái. Đối với vaccine đóng dấu heo (nhược độc) tiến hành tiêm phòng như sau: Vaccine được tiêm cho heo từ 2 tháng tuổi trở lên miễn dịch bảo hộ xuất hiện sau khi tiêm 9 ngày. Thời gian miễn dịch kéo dài 7 – 9 tháng. Có thể tiêm vaccine đóng dấu heo cùng lúc với vaccine tụ huyết trùng heo, vaccine dịch tả heo. Không nên tiêm cho heo đang ốm, heo sắp đẻ hay vừa mới đẻ. Tiêm vaccine đóng dấu heo dưới da hoặc tiêm bắp với liều: Heo < 25 kg, tiêm 0,5 ml/con; Heo > 25 kg, tiêm 1 ml/con.

 

Điều trị bệnh

Vi khuẩn đóng dấu heo rất nhạy cảm với Penicillin. Heo mắc đóng dấu thể cấp tính nên được điều trị bằng Penicillin (thuốc đặc trị heo bị đóng dấu), tiêm 2 lần/ngày trong 3 ngày, tiêm bắp 1 ml/10 kg (300.000 IU/ml).

Trộn 200 g Phenoxymethyl Penicillin/tấn thức ăn trong 10 – 14 ngày. Đây là một phương pháp phòng bệnh rất hiệu quả, cũng có thể sử dụng trong các đợt dịch bệnh lớn.

Trong trường hợp bệnh cấp tính, tiêm ngay Penicillin loại tác dụng nhanh, 2 lần trong 24 giờ đầu. Tiếp tục tiêm như vậy trong 3 – 4 ngày.

Trường hợp cần điều trị heo nái với số lượng lớn, nên sử dụng Amoxycillin hoặc Phenoxy-methyl Penicillin. Liều tiêm tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Pha Amoxycillin, Phenoxymethyl penicillin hoặc Tetracycline vào nước uống cũng rất hiệu quả.

Phương Đông

Xử lý bệnh đóng dấu heo

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh đóng dấu là một bệnh truyền nhiễm với đặc trưng lâm sàng là chết đột ngột, sốt cao với những mảng xung huyết, mẩn đỏ định hình trên da, heo bị viêm khớp.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Erysipelothrix Rhusiopathiae gây ra. Vi khuẩn có hình que bắt màu gram dương (+). Chúng tồn tại trong đất từ những nguồn nhiễm từ phân, nước tiểu của gia súc bệnh hay gia súc mang trùng có sẵn trong niêm mạc họng, amidan và mũi heo. Khi gặp điều kiện thuận lợi như tiết nắng nóng, oi bức, độ ẩm cao thì vi khuẩn sẽ gây bệnh.

 

Dịch tễ bệnh

Loài mắc bệnh: Trong thiên nhiên loài heo dễ nhiễm bệnh nhất, loài chim cũng có thể mắc bệnh này, bệnh còn lây sang cả người. Bệnh thường phát vào vụ đông xuân tháng 10 – 11 hay vào mùa hè thời tiết nóng bức, khí hậu thay đổi đột ngột, chuồng nóng sức khỏe heo giảm sút.

Cách lây lan: Bệnh có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước, các chất bài tiết hoặc do vận chuyển, mổ thịt các loài vật mắc bệnh. Bệnh xảy ra mang tính đột ngột và lây lan chậm.

Cơ chế sinh bệnh: Vi khuẩn có thể có sẵn trong cơ thể heo hoặc từ ngoài vào và chỉ gây bệnh khi sức đề kháng của cơ thể kém. Vi khuẩn qua vết thương ở ống tiêu hóa, hầu, ruột, hạch hạnh nhân (amidan) vào hạch lâm ba rồi từ đó vào huyết quản, vào máu, vào bộ máy tuần hoàn gây bại huyết. Vi khuẩn phát triển trong máu, độc tố của chúng phá hoại thành huyết quản, gây tụ máu, ứ máu, vết đỏ trên da…

chăn nuôi heo

Chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát giúp heo khỏe mạnh, tăng sức đề kháng

 

Triệu chứng

Thể quá cấp: Thể quá cấp thường được gọi là “đóng dấu trắng” ít khi gặp và nếu xảy ra thì thường gắn liền với việc san đàn, chuyển chuồng, vận chuyển xa hoặc ở các trại chăn nuôi ẩm thấp, tối tăm, ngột ngạt, hoặc hay dùng nước ao tù trong chăn nuôi. Bệnh xảy ra đột ngột với triệu chứng sốt nhanh và rất cao: 42 – 430C. Heo bị bệnh hết sức mệt mỏi, da trắng bệch và bệnh kéo dài chỉ từ vài giờ đến một ngày là kết thúc bằng cái chết, do đó gọi là đóng dấu trắng.

Thể cấp tính: Bệnh đóng dấu thể cấp tính thường xuất hiện ở heo vỗ béo từ 3 – 5 tháng tuổi, dưới tác động trực tiếp các yếu tố stress như nóng quá, ngột ngạt, ẩm thấp, vận chuyển, thay đổi thời tiết, thức ăn, nước uống đột ngột hoặc heo khát lâu do thiếu nước…. Bệnh cũng xuất hiện bất ngờ với triệu chứng sốt nhanh và rất cao từ 42 – 430C. Heo suy sụp nhanh, bỏ ăn, nằm bẹp.  Một số con nôn mửa hoặc phản xạ nôn mửa, bí tiểu và đại tiện, viêm mí mắt yếu chân và phần mông sau. Sau 2 – 3 ngày thì xuất hiện từng đám đỏ ở khắp da nhất là vùng lưng, vai và da mềm (vùng bụng, bẹn háng, tai, cổ…). Khi ấn ngón tay mạnh vào các đám da đỏ đó thì màu đỏ bị biến mất, trở nên tái nhợt trong một thời gian rất ngắn rồi trở lại đỏ ngay, điều này ngược lại với triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng. Khi vi khuẩn đã khu trú ở tim và ở phổi, ta thấy heo thở dốc rất khó khăn, tim đập mạnh, lúc đó các đám da đỏ đã chuyển màu sang thâm. Nếu bệnh không được chữa trị kịp thời thì 50 – 85% sẽ chết sau vài ba ngày, số ít còn lại chuyển sang dạng bệnh mãn tính.

Thể mãn tính: Đặc trưng với các nốt son chuyển thành các nốt viêm loét hoại tử da điển hình ở lưng, hai bên vai, mông và chân. Heo bệnh từ từ giảm sốt từ 42 – 430C xuống 41 – 41,50C hoặc thấp hơn. Các nốt loét da có hình vuông, hình bình hành, hình thoi, ít khi có hình tròn với khích thước khác nhau từ 1 đến 10 cm2, đôi chỗ các nốt dấu liền dính lại với nhau tạo thành mảng lớn. Một số heo bệnh do viêm tim thì thở dốc khó khăn, da phần mõm, tai, bụng bị tím tái do thiếu ôxy. Một số khác thấy bị viêm khớp nhất là khớp đùi, khớp gối và khớp bàn chân, do đó heo bị đau, đi lại khó khăn và khi đứng thường có dáng khom khom và lưng cong lên. Tuy nhiên, heo bệnh ở thể mãn tính nhanh chóng hồi phục và khoẻ trở lại trong thời gian từ 5 – 12 ngày.

 

Chẩn đoán

Dựa vào tính chất dịch tễ học;

Dựa vào triệu chứng lâm sàng: Bệnh tích có dấu đỏ ở da, sốt cao, heo ốm lâu viêm sùi van tim, sưng khớp;

Dùng kháng sinh điều trị để chẩn đoán: Penicillin, Amoxycillin, Ampicillin hay Cephalosporin chưa khỏi bệnh ngay sau 1 – 2 mũi tiêm.

 

Trị bệnh

Thể quá cấp và cấp tính: cần dùng kháng huyết thanh hoặc kháng thể được sản xuất từ máu của ngựa, kết hợp với kháng sinh để điều trị mới thu được kết quả.

– Kháng huyết thanh đóng dấu có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm ven với liều 1 – 1,5 ml/1 kg trọng lượng.

– Kháng sinh thường dùng là các loại có tác dụng chủ yếu vi khuẩn Gram dương là: Penicillin, Ampicillin, Amoxycillin, Cloxacillin, Ceftiofur, Fosfomycin, Gentamycin. Chúng có thể dùng riêng rẽ nhưng khi kết hợp thì hiệu quả điều trị tốt hơn nhiều. Liều lượng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

 

Phòng bệnh

Hiện nay, phòng bệnh bằng vaccine do Việt Nam sản xuất đã được áp dụng riêng rẽ và tiêm cho heo cai sữa lần 1 lúc 35 – 45 ngày tuổi và sau 2 tuần thì tiêm nhắc lại. Miễn dịch kéo dài khoảng 3 – 6 tháng, đối với heo thịt thì chỉ cần tiêm 1 lần. Nhưng heo làm giống phải tiêm định kỳ 2 – 3 lần/năm, heo nái trước khi đẻ 15 ngày và heo đực trước khi phối giống 15 ngày nên tiêm vaccine chống bệnh đóng dấu.

Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh thú y. Đây là các giải pháp tổng hợp về việc triển khai thực hiện công tác vệ sinh thú y trong khu chăn nuôi phải được triển khai thường xuyên và nghiêm túc.

An toàn sinh học là kết quả cuối cùng của công tác vệ sinh thú y và kỹ thuật chăn nuôi bền vững.

>> Vi khuẩn gây bệnh heo đóng dấu có nhiều chủng khác nhau. Sức đề kháng của nó khá cao, trong phủ tạng xác chết thối có thể sống được 4 tháng, trong xác đem chôn dưới đất sống được 9 tháng, ở ngoài dưới ánh sáng mặt trời sống được 12 ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *