(Người Chăn Nuôi) – Bệnh thường xảy ra ngay sau khi heo sinh hoặc trong giai đoạn mang thai, nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm con vật chết trong 10 – 24 giờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Nguyên nhân
Bệnh bại liệt trên heo nái là bệnh rất phức tạp, có rất nhiều nguyên nhân:
Do dinh dưỡng: Thường do sự thiếu hụt Calci so với bình thường. Trong trường hợp này cần theo dõi kỹ các triệu chứng lâm sàng. Và phân tích máu mới có thể chẩn đoán chính xác. Bệnh xảy ra thường do không cung cấp đầy đủ nhu cầu Calci, phốt pho, thiếu Vitamin D trong thời gian mang thai. Từ đó làm rối loạn quá trình vận chuyển Calci vào máu.
Do tác nhân cơ học: Trong quá trình mang thai, sự di chuyển heo lên chuồng đẻ khiến heo dễ bị trượt ngã gây liệt chân.
Do thời tiết: Nhiệt độ môi trường quá nóng trong thời gian nái gần sinh hay vừa sinh xong
Do nhiễm khuẩn: Nhiễm Clostridium perfigers, Listera monocytogenes, Streptocoocus suis.
Thai quá to, tư thế chiều hướng thai bất thường. Thủ thuật kéo thai quá mạnh, không đúng kỹ thuật gây tổn thương thần kinh tọa, mất khả năng vận động, bại liệt.
Bại liệt trên heo nái là bệnh rất phức tạp – Ảnh: Pig333
Biểu hiện bệnh
Trước tiên 2 chân sau yếu dần, đi run rẩy hay nằm lỳ. Cũng có con đột nhiên nằm luôn không đứng dậy được. Thân nhiệt bình thường. Những ngày đầu heo vẫn ăn uống bình thường, nhưng do không vận động, đi lại nên bị táo bón.
– Heo nái mất khả năng vận động sau sinh.
– Bệnh thường ghép với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp như: Chướng bụng, đầy hơi, viêm phế quản cấp.
– Bệnh tiến triển rất nhanh. Nếu không can thiệp kịp thời, heo có thể chết sau 10 – 24 giờ. Bệnh phát ngay sau khi sinh hoặc trong khi sinh. Do đó rất khó điều trị, tỷ lệ chết cao. Nếu điều trị tích cực và kịp thời heo có thể qua khỏi bệnh.
Bệnh do thiếu Calci thường có 2 thể:
Thể điển hình: Thường chiếm khoảng 20% trong tổng số các ca bệnh. Bệnh phát triển nhanh, từ lúc bắt đầu đến lúc biểu hiện triệu chứng không quá 12 giờ. Heo sốt cao (> 410C), thở nhanh, chân sau đứng không vững, thường dựa vào hai bên thành chuồng làm điểm tựa để đứng dậy, heo có thể giãy dụa cố để đứng dậy, chảy nước bọt, nuốt rất khó khăn, sau cùng heo có thể hôn mê và chết.
Thể nhẹ: Chiếm đa số, heo có hiện tượng co giật, thích nằm, ủ rũ, kém ăn nhưng không bị hôn mê. Bệnh thường xuất hiện 2 – 5 ngày sau khi sinh, heo đi không vững và sau đó thường mất sữa.
Phòng bệnh
Cẩn thận trong việc di chuyển heo trong giai đoạn mang thai, nền chuồng phải sạch, tránh trơn trượt. Nên có ánh sáng vào chuồng trại. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh do virus và vi trùng.- Chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý heo nái sinh sản đúng quy trình kỹ thuật, chú ý bổ sung canxi và phốt pho trong khẩu phần ăn.
– Chuồng nuôi phải đầy đủ ánh sáng, thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông.
– Tránh tác động cơ học làm tổn thương vùng xương sống heo
– Thao tác kỹ thuật nhẹ nhàng, để nái nằm trên nền chuồng có đệm lót êm rơm rạ, cỏ khô.
– Hàng ngày trở mình cho heo nái.
– Sử dụng một số dòng kháng sinh để tránh nhiễm khuẩn kế phát đường tiêu hóa, hô hấp.
– Dùng dầu nóng xoa bóp chân nhẹ nhàng.
– Tiêm Gluconat canxi hay Clorus.
– Trong quá trình chăm sóc heo nái nên kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học.
Điều trị
Cần tách heo con nuôi bộ hay tập cho ăn sớm, không cho bú mẹ. Với heo mẹ nên lót rơm dày để heo nằm tránh để xây xát da. Chủ động trở mình cho heo mẹ phòng lở loét hay tụ huyết. Cho heo mẹ ăn thức ăn có chất lượng cao, bổ sung thêm các yếu tố cần thiết như Vitamin B12, B1, A, D… giúp cho sự đồng hóa Ca, P được tốt hơn.
Tiêm cho heo mẹ các loại thuốc: Polycan, calci-for, CaCl2 10% (chỉ tiêm tĩnh mạch), Gluco- Calci, Carbizol… Cũng có thể tiêm vitamin nhóm B kết hợp Strychnin. Nếu do tổn thương (cơ, khớp, xương, móng, thần kinh) thì điều trị theo hướng tổn thương. Heo nái sau khi sinh có biểu hiện sốt, nên sử dụng thuốc hạ sốt và kháng sinh chống phụ nhiễm.
Hải Phạm