Xu hướng định hình ngành thức ăn gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Khi nhu cầu về sản phẩm gia cầm tiếp tục tăng, các nhà sản xuất thức ăn không ngừng đổi mới để đảm bảo sức khỏe và năng suất của vật nuôi, đồng thời giải quyết các thách thức về môi trường và kinh tế. Dưới đây là các xu hướng chính định hình ngành thức ăn gia cầm.

Quy mô thị trường thức ăn gia cầm được định giá ở mức 139,39 tỷ USD vào năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng trưởng từ 147,82 tỷ USD năm 2024 lên 249,39 tỷ USD vào năm 2032. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,76% trong giai đoạn (2024 – 2032).

xu hướng thức ăn gia cầm

Ảnh: Shutterstock

Tập trung vào tính bền vững

Tính bền vững là ưu tiên hàng đầu của ngành sản xuất thức ăn gia cầm. Các nhà sản xuất đang áp dụng những biện pháp thân thiện với môi trường, chú trọng đến việc sử dụng nguyên liệu từ nguồn tái tạo, giảm chất thải và giảm lượng khí thải carbon tối thiểu trong quá trình sản xuất thức ăn. Những cải tiến trong công thức thức ăn nhằm mục đích cải thiện hiệu quả thức ăn, giảm tác động đến môi trường của hoạt động chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, việc sử dụng các nguồn protein thay thế như bột côn trùng và tảo ngày càng được ưa chuộng và được xem là một giải pháp thay thế vững chắc cho bột đậu nành và bột cá truyền thống.

Công thức dinh dưỡng nâng cao

Những tiến bộ trong khoa học dinh dưỡng đang dẫn đến sự phát triển của các công thức thức ăn cân bằng và giàu dinh dưỡng hơn. Mục tiêu là tối ưu hóa sức khỏe và sự phát triển của gia cầm, đảm bảo vật nuôi nhận được tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu theo tỷ lệ chính xác. Việc kết hợp vitamin, khoáng chất, axit amin và men vi sinh vào công thức thức ăn, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và năng suất của gia cầm, tăng chất lượng thịt và trứng.

Sử dụng phụ gia cải thiện sức khỏe và tăng trưởng

Phụ gia thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của gia cầm. Các chất phụ gia như enzyme, prebiotic và probiotic đang được sử dụng để tăng cường sức khỏe đường ruột và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Axit hữu cơ và tinh dầu ngày càng được sử dụng phổ biến như các chất thay thế tự nhiên cho kháng sinh, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn. Các chất phụ gia này giúp giảm sự bùng phát của dịch bệnh và cải thiện phúc lợi của gia cầm.

xu hướng thức ăn gia cầm

Nguồn: Animal Feed Ingredients Market 2024 – 2031

Tích hợp công nghệ và cung cấp nguyên liệu chính xác

Việc tích hợp công nghệ vào trang trại chăn nuôi gia cầm đang cách mạng hóa ngành thức ăn gia cầm. Theo đó, các kỹ thuật cho ăn chính xác sử dụng phân tích dữ liệu và cảm biến để theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ và sức khỏe của gia cầm theo thời gian thực. Điều này cho phép điều chỉnh chính xác công thức thức ăn để đáp ứng nhu cầu cụ thể của đàn, giảm lãng phí và cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn. Tự động hóa trong hệ thống sản xuất và phân phối thức ăn cũng đang nâng cao hiệu quả và tính nhất quán của nguồn cung cấp thức ăn.

Sử dụng protein có nguồn gốc thực vật

Ngành sản xuất thức ăn gia cầm ngày càng hướng tới việc sử dụng các thành phần có nguồn gốc thực vật. Xu hướng này xuất phát từ những lo ngại về thiếu tính bền vững và chi phí cho các nguồn protein truyền thống từ động vật. Các nguồn protein thực vật như đậu nành, ngô và đậu Hà Lan đang được sử dụng rộng rãi trong các công thức thức ăn gia cầm. Sự phát triển của các loại protein có nguồn gốc thực vật mới và việc nâng cao công thức dinh dưỡng của vật nuôi đang hỗ trợ thêm cho quá trình chuyển đổi này.

Tập trung vào phúc lợi động vật

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm gia cầm được sản xuất “có đạo đức” đang ảnh hưởng đến công thức thức ăn và phương pháp chăn nuôi. Các nhà sản xuất thức ăn đang tập trung vào việc cải thiện phúc lợi của gia cầm thông qua chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Điều này bao gồm việc sử dụng các thành phần tự nhiên và hữu cơ, cũng như các chất phụ gia thức ăn tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng. Các hoạt động nâng cao phúc lợi động vật không chỉ đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nguồn cung cấp khu vực và địa phương

 Ngày càng có nhiều sự quan tâm về nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại địa phương và khu vực. Xu hướng này được đưa ra trước yêu cầu giảm lượng khí thải carbon liên quan đến vận chuyển và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương cũng cho phép truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng tốt hơn, đảm bảo rằng các công thức thức ăn đáp ứng yêu cầu cụ thể của hoạt chăn động nuôi gia cầm trong khu vực.

Tuân thủ quy định và an toàn thực phẩm

Đảm bảo tuân thủ quy định và an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong sản xuất thức ăn gia cầm. Các nhà sản xuất thức ăn đang tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng phụ gia, chất gây ô nhiễm nhiễm trùng và nhãn mác. An toàn thực phẩm cần được đảm bảo trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguồn nguyên liệu thô đến sản xuất và phân phối thức ăn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế giúp duy trì niềm tin của người dùng và đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Cải tiến công nghệ chế biến thức ăn

Những tiến bộ trong công nghệ chế biến thức ăn đang nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng thức ăn. Các kỹ thuật như đùn, ép viên và lên men đang cải thiện khả năng tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Những cải tiến này cũng giúp giảm lãng phí thức ăn và kéo dài hạn sử dụng của các sản phẩm thức ăn. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến vẫn đảm bảo công thức thức ăn đồng nhất và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của gia cầm.

Mở rộng và đa dạng hóa thị trường

Thị trường thức ăn gia cầm toàn cầu đang mở rộng nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm gia cầm ở nền kinh tế mới nổi. Đô thị hóa, thu nhập tăng và thói quen ăn uống thay đổi đang thúc đẩy tiêu thụ thịt và trứng gia cầm. Vì vậy, các nhà sản xuất thức ăn đang đa dạng hóa danh mục sản phẩm của họ để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các phân khúc gia cầm khác nhau, chẳng hạn như gà thịt, gà đẻ và gà giống. Sự đa dạng này giúp giải quyết các yêu cầu dinh dưỡng và mục tiêu sản xuất riêng biệt của các hệ thống chăn nuôi gia cầm khác nhau.

➢ Phân khúc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia cầm đã vượt 80 tỷ USD vào năm 2020. Thức ăn giàu protein được sử dụng để chăn nuôi gia cầm do protein có sức sống cao vì đây là một trong những thành phần chính trong cơ thể. Gà thịt có nhu cầu rất lớn về protein trong khẩu phần ăn, thúc đẩy thị trường nguyên liệu protein thức ăn chăn nuôi để nâng cao năng suất của gà thịt trong giai đoạn dự báo. Việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm đã tăng lên trong những năm gần đây do nhu cầu về trứng và thịt gà của những người đam mê tập gym ngày càng tăng.

Trần Tiến

 (Theo Marketresearchfuture)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *