Bài 1: Lò mổ xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường
Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ( CSGM GSGC) tập trung có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vì nhiều vướng mắc, đến nay số CSGM GSGC tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất ít và hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.
Các lò mổ đều quá tải
Chúng tôi có mặt tại lò mổ Phường 1, TP. Đông Hà lúc hơn 23 giờ đêm. Lúc này, các chủ lò mổ mới bắt đầu các công đoạn chuẩn bị như soạn đồ nghề, kiểm tra lại số lợn cần giết mổ… “Tổng cộng hôm nay phải làm khoảng 50 con, từ giờ đến muộn nhất là 3 giờ sáng hôm sau phải kết thúc, chia người ra để còn kịp di chuyển qua lò mổ Đông Lương để làm nốt 10 con ở bên kia”, sau cuộc trao đổi ngắn gọn giữa hai người đàn ông có nhiệm vụ mổ lợn, mọi người bắt tay vào việc. Các công đoạn để “ra thịt” một con lợn được xử lý nhanh gọn bởi những người đến lấy thịt bỏ cho các chợ đầu mối đã chờ sẵn tại lò.
Ở một lò mổ, các công đoạn giết mổ và ra thành phẩm từ lợn đều thực hiện trên sàn xi măng, không đảm bảo vệ sinh – Ảnh: T.T
Trên diện tích khoảng 1.500 m2, lò mổ Phường 1 được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1997, trước đây phục vụ giết mổ hơn 100 con lợn/ngày đêm. Ngoài ra, còn có 3 điểm giết mổ gia cầm ở khu phố Tây Trì và Khu phố 2, Phường 1 với 12 chủ hộ tham gia, công suất giết mổ trung bình khoảng 730 con/ngày đêm. Còn lò giết mổ gia súc phường Đông Lương được xây dựng và đưa và sử dụng từ năm 1999 với diện tích 500 m2. Tại đây hiện đang có 6 chủ hộ giết mổ lợn và 8 chủ hộ giết mổ trâu, bò.
Theo quan sát của chúng tôi, cả 2 CSGM gia súc tập trung này đều được xây dựng đồng bộ, bao gồm phòng trực bảo vệ, lò, bệ, khu vực giết mổ, khu nhốt giữ động vật chờ giết mổ, khu xử lý chất thải, sân và lối đi.
Tuy nhiên, điều đáng nói là giữa các các khu vực này lại không có ranh giới rõ ràng và cả 2 CSGM này đều nằm lọt thỏm trong khu dân cư, hố xử lý chất thải nhỏ, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu vệ sinh thú y đối với CSGM GSGC tập trung.
Ngay sau lưng lò giết mổ lợn Phường 1 là Trường THCS Nguyễn Trãi vừa được xây dựng khang trang, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Các điểm giết mổ gia cầm phần lớn nằm trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình. Khu giết mổ GSGC gắn liền với nơi sinh hoạt, sát vách với các nhà xung quanh, không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y.
Trưởng Ban quản lý lò mổ Phường 1 Thái Văn Đính cho biết, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND TP. Đông Hà đã có văn bản bắt buộc từ ngày 30/5/2023, các hộ tham gia giết mổ tại đây phải giảm 50% công suất giết mổ trong một ngày đêm.
Đồng thời có biện pháp thu dọn chất thải kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm xung quanh khu vực lò mổ tập trung này. 50% công suất còn lại được bố trí tại lò giết mổ gia súc phường Đông Lương.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho các hộ giết mổ gia súc khi phải chia ra làm ở 2 nơi, không chỉ làm tăng chi phí giết mổ mà còn khiến lò giết mổ gia súc phường Đông Lương rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi lò mổ này cũng đang nằm ngay trong khu dân cư và hiện cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
“Các hộ tham gia giết mổ tại đây đang mong chờ CSGM quy mô lớn do UBND thành phố đầu tư xây dựng để không còn cảnh phải chia ra giết mổ ở 2 nơi như thế này. Thế nhưng mặc dù đã có quy hoạch, chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai xây dựng. Không biết đến bao giờ mới có thể chuyển về đó hoạt động”, ông Đính nói.
Theo Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) TP. Đông Hà Trần Chánh, các CSGM tập trung hiện nay trên địa bàn thành phố có vị trí giao thông thuận tiện, gần chợ, gần khu dân cư nên thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm GSGC. Đồng thời giúp tiết kiệm chi phí giết mổ cho các hộ tham gia giết mổ tại các CSGM.
Tuy nhiên, do đưa vào hoạt động đã khá lâu, trung bình từ 24 – 26 năm nên hiện tại hầu hết cơ sở vật chất, thiết bị của các CSGM tập trung này đều đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu giết mổ trên địa bàn.
Đặc biệt, vị trí các CSGM tập trung đều nằm sát khu dân cư, trường học nên gây ô nhiễm môi trường. Đối với các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ phần lớn nằm trong khu dân cư, lực lượng thú y thiếu nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và tiềm ẩn phát tán dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
“Do cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ công suất giết mổ dẫn đến vẫn còn tồn tại tình trạng giết mổ chui trong khu dân cư, gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ”, ông Chánh chia sẻ.
Các địa phương loay hoay khắc phục
Thực hiện chủ trương quy hoạch các CSGM GSGC tập trung, từ năm 2004 đến nay, huyện Cam Lộ đã tổ chức quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động 3 lò giết mổ gia súc tập trung tại các xã Thanh An, Cam Chính và thị trấn Cam Lộ. Hiện tại, các lò mổ này đang hoạt động hiệu quả, công suất giết mổ từ 10 – 30 con/ngày/lò.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, việc hình thành các lò giết mổ gia súc tập trung đã giúp việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, do được xây dựng từ khá lâu nên cơ sở vật chất của các lò mổ tập trung này hiện đã xuống cấp.
Đặc biệt là các hạng mục như nền sàn, hố xử lý chất thải, rãnh thoát nước… hầu hết không đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện không có điểm giết mổ gia cầm tập trung. Gia cầm chủ yếu được giết mổ tại hộ gia đình và một số khu vực chợ nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm.
Hệ thống thoát nước tại lò mổ Phường 1, TP. Đông Hà đã hư hỏng nặng – Ảnh: T.T
Còn tại huyện Gio Linh, thực hiện chủ trương quy hoạch và khuyến khích xây dựng các CSGM GSGC tập trung, năm 2006 xã Trung Sơn cùng với hộ dân trên địa bàn đã hỗ trợ đầu tư một lò giết mổ tập trung tại thôn Võ Xá và đi vào hoạt động từ năm 2008. Quá trình hoạt động, huyện Gio Linh cũng đã hỗ trợ tu sửa và mở rộng quy mô cũng như xây dựng các hạng mục phụ trợ.
Tuy nhiên, đến năm 2018 do nguồn thu không đủ bù đắp chi phí kéo dài nên cơ sở này đã ngừng hoạt động. Hiện tại, trên địa bàn huyện chỉ còn 33 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ với số lượng gia súc giết mổ bình quân ngày đêm khoảng 40 con lợn và 4 con bò.
Việc giết mổ gia súc đang phân tán riêng lẻ theo từng hộ, tập trung chủ yếu ở các xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, thị trấn Gio Linh và xã Gio Sơn.
Do thường thực hiện giết mổ vào ban đêm, khu vực giết mổ bố trí ngay trong nhà ở, một số hộ giết mổ không chuyên nghiệp, còn mang tính thời vụ nên cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa bão.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa thông tin, trước khi thực hiện đề án theo Quyết định số 3158, huyện đã có chủ trương xây dựng trên địa bàn 3 CSGM động vật tập trung tại xã Gio Sơn, thị trấn Gio Linh, thị trấn Cửa Việt và đã được đưa vào quy hoạch theo Quyết định số 3158 của UBND tỉnh.
Đồng thời duy trì hoạt động của các CSGM nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong khi chưa xây dựng được CSGM tập trung. Tuy nhiên, do số lượng gia súc giết mổ/ngày đêm trên từng địa bàn ít, phí dịch vụ giết mổ không đủ cho việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình nên không khuyến khích họ đầu tư.
“Về lâu dài, nếu không xây dựng được các CSGM tập trung, không đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào hoạt động tập trung thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường do hoạt động giết mổ gây ra là khó tránh khỏi”, ông Hòa khẳng định.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 CSGM động vật tập trung và 133 CSGM động vật nhỏ lẻ. Số lượng GSGC giết mổ được kiểm tra, kiểm soát giết mổ hằng ngày khoảng 520 – 550 con lợn, 55 – 60 con trâu bò, 10 – 15 con dê và từ 900 – 1.000 con gia cầm, cung cấp ra thị trường gần 45 tấn thịt và các loại sản phẩm cho người tiêu dùng. Trong đó, chỉ có 3 CSGM tập trung được xây dựng mới từ năm 2018. Còn lại 9 CSGM động vật tập trung được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1996 đến trước năm 2018.
Tại thời điểm xây dựng cách xa khu dân cư nhưng trong quá trình đô thị hóa các khu dân cư mới được hình thành và phát triển dẫn đến việc các CSGM trên hiện nay không còn phù hợp với quy định về vị trí, diện tích, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giết mổ, bảo quản, hệ thống xử lý chất thải… và không còn phù hợp với các tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Mặc dù các địa phương đã đầu tư ngân sách nâng cấp hạ tầng, khu xử lý nước thải nhưng trước áp lực năng suất giết mổ ngày càng tăng, hầu hết các CSGM này đều đang quá tải. Thậm chí, tại một số CSGM tập trung, hệ thống xử lý nước thải gần như không phát huy tác dụng. Nước thải từ quá trình giết mổ được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đối với 133 CSGM động vật nhỏ lẻ, hiện có 130 CSGM gia súc nằm rải rác, phân tán trong khu dân cư và 3 CSGM gia cầm với số lượng giết mổ lớn nằm tại Phường 1, TP. Đông Hà. Hầu hết các CSGM động vật nhỏ lẻ này chủ yếu là tận dụng một phần diện tích sinh hoạt của gia đình để thực hiện việc giết mổ; diện tích không đảm bảo, 100% CSGM trên nền xi măng; dụng cụ giết mổ còn thô sơ. Hệ thống xử lý chất thải chưa có hoặc chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ngoài 3 CSGM gia cầm lớn, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều CSGM gia cầm nhỏ lẻ, số lượng giết mổ ít, giết mổ không thường xuyên, nằm rải rác, phân tán trong các khu dân cư, tại các chợ trên địa bàn nên công tác thống kê, quản lý và kiểm soát hoạt động giết mổ tại các cơ sở này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn trong số 12 CSGM động vật tập trung trên địa bàn tỉnh hiện đã xuống cấp, không đủ diện tích và công suất giết mổ để đáp ứng nhu cầu quy hoạch tất cả các CSGM động vật nhỏ lẻ trên địa bàn vào tập trung giết mổ.
Vì vậy, đến nay vẫn còn tồn tại 133 CSGM động vật nhỏ lẻ nằm rải rác, phân tán trong các khu dân cư gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ cho CSGM hoạt động tại 12 CSGM động vật tập trung hiện có này đều quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, 100% cơ sở thực hiện giết mổ ngay trên sàn nhà. Các công đoạn giết mổ gia súc đều được tiến hành trên nền xi măng.
Hầu hết các CSGM này không có khu xử lý thịt và khu xử lý phụ phẩm riêng biệt; nước xả, nước thải tràn lan trên sàn…
Trong quá trình giết mổ, thịt lợn, nội tạng, phân, nước thải … đều nằm lẫn với nhau nên việc thịt lợn bị nhiễm vi sinh vật là điều không thể tránh khỏi. Trong khi việc đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các CSGM GSGC tập trung hiện vẫn đang rất chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Lê An – Thanh Trúc
Nguồn: Báo Quảng Trị