Những năm qua, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh, Thanh Hóa) đã có nhiều nỗ lực trong công tác cứu hộ, chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã, qua đó nâng cao tính đa dạng sinh học.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Bảo tồn phát triển sinh vật và Dịch vụ môi trường rừng (Vườn Quốc gia Bến En) đã tổ chức chăn nuôi và cứu hộ được 18 loài, với tổng số 73 cá thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Khỉ mặt đỏ, chim công, trăn gấm, rùa sa nhân, tê tê… Do hầu hết những động vật được cứu hộ đưa về chăm sóc tại đây bị săn bắt và mua bán trái phép nên cần được chữa trị vết thương và phục hồi sức khỏe. Có những cá thể động vật quý hiếm được người dân cho tặng, nhưng lại mất bản năng sinh tồn do nuôi nhốt lâu ngày, cần phải phục hồi bản năng hoang dã trước khi thả về tự nhiên.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn phát triển sinh vật và Dịch vụ môi trường rừng (Vườn Quốc gia Bến En) chăm sóc động vật hoang dã trước khi thả về rừng tự nhiên.
Sau khi cứu hộ và chăm sóc, nhiều cá thể động vật hoang dã được thả về môi trường tự nhiên ở Vườn quốc gia Bến En. Đặc biệt, đơn vị đã nghiên cứu và làm tốt công tác chăm nuôi sinh sản động vật hoang dã, vừa bảo tồn nguồn gen, đồng thời kết hợp với việc phát triển mô hình sinh kế cho người dân địa phương. Hiện nay, một số loài như hươu sao, gà rừng đã được nuôi thử nghiệm thành công tại một số hộ gia đình trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En.
Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Bến En sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Khắc Công
Nguồn: Báo Thanh Hóa