“Điều tra đánh giá thực trạng các loài thú gặm nhấm và xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế tại Vườn Quốc gia (VQG) Bến En, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020 – 2024”, là nhiệm vụ khoa học nhằm bảo tồn các loài họ gặm nhấm.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, các kiểm lâm viên ở VQG đã tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố trên 60 tuyến; nghiên cứu về đặc điểm sinh cảnh sống, xác định các mối đe dọa đến các loài thú gặm nhấm tại các khu rừng Bến En. Kiểm lâm viên đã phối hợp với các đơn vị liên quan chụp ảnh, thu thập mẫu của các loài thú quý hiếm để phục vụ điều tra, giám sát.
Mô hình nuôi dúi má đào ở VQG Bến En.
Bên cạnh đó, các kiểm lâm viên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học cho 54 cán bộ của chính quyền địa phương, tổ chức 34 hội nghị tuyên truyền tại các thôn, bản vùng đệm cho 2.380 người dân; nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài gặm nhấm nói riêng; cấp phát 1.500 tờ rơi giới thiệu về một số loài gặm nhấm, xây dựng kế hoạch bảo tồn, bản đồ phân bố. Bên cạnh đó, đầu năm 2023 đơn vị đã tiến hành thử nghiệm gây nuôi phát triển thương phẩm 2 loài dúi mốc lớn và dúi má đào có giá trị kinh tế, kết hợp bảo tồn ngoại vi tại khu chăn nuôi, cứu hộ động vật hoang dã.
Để mô hình đạt hiệu quả theo mục tiêu nhiệm vụ đề ra, ngoài việc chuẩn bị con giống đảm bảo chất lượng, VQG đã khảo sát và chuẩn bị chuồng trại, vật liệu và dụng cụ chăn nuôi, thuốc thú y, chuẩn bị khẩu phần và định lượng thức ăn phù hợp với tập tính của thú nuôi. Đến nay, Vườn Quốc gia Bến En đã phát triển được 40 cá thể, trong đó 20 cá thể dúi mốc lớn, 20 cá thể dúi má đào để tìm phương án nhân rộng.
Dúi mốc
Việc thực hiện nhiệm vụ khoa học “Điều tra đánh giá thực trạng các loài thú gặm nhấm và xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế tại Vườn Quốc gia (VQG) Bến En, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2024” sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai hoạt động nghiên cứu về đặc điểm phân bố, tập tính, thức ăn, đặc điểm sinh cảnh sống. Từ đó xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp bảo tồn hiệu quả các loài thú gặm nhấm tại VQG Bến En.
Khắc Công
Nguồn: Báo Thanh Hóa