Vùng trâu giống quốc gia Bảo Yên giờ ra sao?

Những năm 1960, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập trâu Murrah từ Ấn Độ lai với trâu địa phương nhằm cải tạo, nâng cao năng suất sức kéo đàn trâu địa phương, từ đó Bảo Yên (Lào Cai) trở thành vùng trâu giống tốt nhất khu vực, được coi là vùng có trâu giống quốc gia.

vùng trâu giống quốc gia

Tuy nhiên, do thực hiện cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển đàn trâu không còn được quan tâm như trước, giống trâu quý xưa kia giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể.

Khu tiểu thủ công nghiệp Phố Ràng nằm trên một bãi đất bằng phẳng bên bờ sông Chảy, cách đây 60 năm nơi đây là trung tâm của Nông trường trâu sữa Bảo Yên với hệ thống nhà ở công nhân, chuồng trại chăn nuôi, đồng cỏ… được quy hoạch đồng bộ. Đây cũng là mô hình điển hình của kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thời kỳ đó.

vùng trâu giống quốc gia

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Lê Thị Lựu, cựu công nhân nông trường nằm ngay bên trục đường chính. Gắn bó với nông trường cả tuổi thanh xuân nên bà Lựu luôn tự hào mỗi khi nhớ lại những năm tháng ấy. Bà Lựu bắt đầu làm công nhân Nông trường trâu sữa Bảo Yên từ năm 1976.
Hầu hết công nhân ở đây khi ấy cũng tuổi ngoài đôi mươi như bà, dù cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả nhưng không khí lúc nào cũng tràn đầy niềm vui, lạc quan. Bà Lựu khi ấy được biên chế vào đội 2 của nông trường, phụ trách chăn nuôi hơn 200 con trâu được tuyển chọn từ các xã trong huyện đưa về đây.

Những năm 70 của thế kỷ trước, ngoài công nhân nông trường thì dân cư trong khu vực còn thưa thớt, cả khu vực phía nam thị trấn Phố Ràng ngày nay là bạt ngàn đồng cỏ. Khi những chú trâu Murrah được đưa về, bà Lựu cũng như công nhân ở đây đều thấy lạ lẫm, thích thú. Những chú trâu này có cặp sừng ngắn, quặp về phía sau, vóc dáng to lớn hơn hẳn trâu nội. Bà Lựu kể: Trâu Murrah là những chú trâu sữa nên rất hiền. Mỗi lần đi làm về qua khu vực nuôi, mọi người đều tranh thủ vào ngắm chúng một lát.

vùng trâu giống quốc gia

Trải qua những năm tháng thăng trầm nhất cùng nông trường nên khi nghe chúng tôi gợi chuyện về hoạt động của nông trường trước đây thì ông Mông Văn Thiến, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Bí thư Đảng ủy Nông trường trâu sữa Bảo Yên (giai đoạn 1971 – 1984) như cởi tấm lòng, bao nhiều kỷ niệm lại ùa về.

Nông trường trâu sữa Bảo Yên khi ấy là trung tâm giống trâu nội lớn nhất nước, nhiệm vụ chính là tuyển chọn, lai tạo các giống trâu có phẩm chất tốt để cung cấp cho cả nước.

Ông Mông Văn Thiến, nguyên Phó Giám đốc Nông trường trâu sữa Bảo Yên

Năm 1971, ông Mông Văn Thiến được điều động từ Hạt giao thông Bảo Yên sang Nông trường phụ trách xây dựng hạ tầng. Ông Thiến cùng công nhân, kỹ sư khẩn trương xây dựng nhiều hạng mục như khu chuồng trại, khu chế biến sữa, nhà ở công nhân, nhà chuyên gia, mở đường công vụ, khai hoang trồng hàng trăm ha cỏ phục vụ chăn nuôi.

Ông Thiến cho biết: Tiền thân của Nông trường trâu sữa Bảo Yên là Trại chăn nuôi trâu bò sữa thành lập năm 1965, đến năm 1971 thì được chuyển đổi mô hình thành nông trường, có cả trạm xá, trường học cho con em công nhân.

Nông trường trâu sữa Bảo Yên khi ấy là trung tâm giống trâu nội lớn nhất nước, nhiệm vụ chính là tuyển chọn, lai tạo các giống trâu có phẩm chất tốt để cung cấp cho cả nước. Năm 1973, nông trường bắt đầu thực hiện nhiệm vụ lai tạo giống trâu nội với giống trâu Murah. Trong số hàng trăm con trâu giống Murrah do Chính phủ và Nhân dân Ấn Độ tặng Nhân dân Việt Nam thì có 5 con được đưa về Nông trường trâu sữa Bảo Yên để gây giống.

vùng trâu giống quốc gia

Những con trâu giống Mura to lớn nặng hơn một tấn, điểm đặc trưng nhất là cặp sừng quặp về phía sau. Ông Thiến cho biết: Xác định đây là những chú trâu giống quý nên ban lãnh đạo nông trường cử 5 kỹ sư chăn nuôi mỗi người trực tiếp phụ trách theo dõi, chăm sóc 1 con.

Ông Phòng Đình Chương, quê ở Yên Bái, làm công nhân Nông trường trâu sữa Bảo Yên cuối những năm 70. Sau khi Nông trường trâu sữa sáp nhập vào Nông trường hoa quả rồi giải thể, ông Chương vẫn tiếp tục ở lại, gắn bó với mảnh đất Phố Ràng.

Ngày về làm việc tại nông trường, ông Chương được cử đi học kỹ thuật viên để về lai tạo những con trâu giống Murrah với trâu Bảo Yên. Ông Chương bảo: Hầu hết những con trâu lai đã chuyển đi các tỉnh. Hiện một số xã ở Bảo Yên như Xuân Hòa, Xuân Thượng vẫn còn thế hệ lai của những con trâu Murrah ngày xưa nhưng đã mai một nhiều.

Chiến tranh bảo vệ biên giới 1979, ông Mông Văn Thiến cùng 300 công nhân vẫn bám trụ lại bảo vệ cơ sở vật chất nông trường. Khi đó, những chú trâu ngoại được đưa về Yên Bình, Yên Bái chăm sóc, còn đàn trâu nội được hành quân về Lục Yên, Yên Bái.

Cuối những năm 80, 5 con trâu giống Murrah được đưa về Nông trường Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước) vì diện tích đồng cỏ ở Bảo Yên không còn đảm bảo. Theo chủ trương của trên và yêu cầu nhiệm vụ mới Nông trường trâu sữa được sáp nhập vào Nông trường hoa quả. Những công nhân trồng cỏ chăn nuôi trâu trước đây chuyển sang trồng dứa, câu chuyện về những chú trâu Murrah lùi dần vào dĩ vãng.

Để tìm lại những thế hệ lai của giống trâu Murrah trước đây, chúng tôi tìm về các xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Tân Dương, Xuân Thượng… là những nơi trước đây từng phát triển mạnh đàn trâu. Tuy nhiên, hầu như mọi thông tin về những chú trâu này đã mai một. Vùng trâu giống quốc gia Bảo Yên hiện cũng không còn phát triển mạnh đàn trâu như trước.

Anh Hoàng Văn Sị, bản Mai Thượng, xã Xuân Hòa cho biết: Trước đây thương lái khắp nơi đều tìm về Mai Thượng để tìm trâu nhưng nay cả thôn chỉ còn hơn chục con, tiếc nuối sẽ mất đi giống trâu quý của địa phương nên anh đang cố gắng giữ lại chú trâu của gia đình mặc dù nhiều người đến hỏi mua với giá cao.

vùng trâu giống quốc gia

Năm 2011, huyện Bảo Yên từng triển khai Dự án Phát triển và xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên, trong đó chọn 5 xã trọng điểm gắn với xây dựng nông thôn mới là các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Tân Dương, Việt Tiến.

Điều này được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững đàn trâu Bảo Yên, mở rộng thị trường nhằm cung cấp trâu giống, trâu hàng hóa cho thị trường trong nước, giúp người chăn nuôi có thu nhập cao từ phát triển đàn trâu. Đến những năm 2009, 2010, đàn trâu trên địa bàn vẫn được duy trì khá lớn với khoảng 22.500 con, mỗi năm xuất bán 2.500 – 3.000 con, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, những năm gần đây đồng cỏ bị thu hẹp, nhu cầu sức kéo được thay thế bằng máy móc nên người dân không còn duy trì đàn trâu số lượng lớn, khiến đàn trâu sụt giảm mạnh. Vẫn biết sự thay đổi này là hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng với những người từng gắn bó và chứng kiến sự lớn mạnh của vùng trâu giống quốc gia Bảo Yên thì không khỏi tiếc nuối…

Mạnh Dũng

Nguồn: Báo Lào Cai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *