Trước dịch COVID-19, nghề vỗ béo trâu, bò rồi xuất khẩu sang Trung Quốc từng giúp nhiều gia đình khá lên nhưng đến nay, chính công việc này đang khiến nhiều người dân lao đao.
Gần 1 tháng nay ông Lục Văn Thìn (SN 1960, trú xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng) như ngồi trên đống lửa khi 3 con trâu trong chuồng đang chờ xuất bán nhưng không một ai hỏi mua.
Theo ông Thìn, nếu như năm 2020 thời điểm cuối tháng 11 đầu tháng 12 (dương lịch), thương lái đổ về hỏi trâu, bò tấp nập, không đủ trâu, bò mà bán thì đến nay, trâu tồn trong chuồng nhưng không khách nào hỏi mua.
Hai huyện Hà Quảng và Trùng Khánh được xem như nơi "mát tay" với nghề nuôi trâu, bò vỗ béo bán dịp cuối năm. Một số thương lái chia sẻ, hai địa phương này với ưu điểm giáp biên giới khiến cho việc xuất khẩu thịt trâu vào Trung Quốc (thị trường đông dân chuộng loại thịt này) khá thuận tiện.
Cũng vì lẽ đó nhiều gia đình nuôi trâu, bò vỗ béo đã giàu lên với mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Thế nhưng đến nay việc không thể xuất khẩu thịt trâu bò, nhiều hộ gia đình mong ngóng người mua, thậm chí phải cắn răng bán ngược về miền xuôi chịu lỗ.
Anh Lục Văn Sơn (SN 1978, trú xóm Nặm Nhũng, xã Lũng Nặm) cho hay: "Nếu như năm 2020, giá thịt trâu hơi được bán với giá từ 120 – 170 nghìn đồng/kg thì đến nay chỉ còn 60 – 70 nghìn đồng/kg. Nhiều người vỗ béo phải chịu cảnh bán lỗ mà vẫn không ai mua".
"Bây giờ chỉ còn lác đác người hỏi mua, xuất khẩu thì không thể rồi nên người từ Bắc Kạn hay Thanh Hoá, Nghệ An lên hỏi đành cắn răng mà bán lỗ thôi", người đàn ông trung niên chua chát nói.
Thời điểm 10.2020, toàn huyện Hà Quảng có trên 11.000 con trâu, hơn 18.000 con bò. Phong trào chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo phát triển mạnh ở các xã vùng cao như Lũng Nặm, Thượng Thôn, Nội Thôn, Tổng Cọt, Yên Sơn, Thanh Long…
Khoảng thời gian này trung bình mỗi xã có từ 1.000 – 2.000 con trâu, bò; bình quân mỗi hộ nuôi 3 – 5 con trâu, bò nhốt chuồng, nhiều hộ nuôi trên 10 con. Riêng 10 tháng đầu năm 2020 đã xuất bán gần 1.600 con trâu, bò, sản lượng trên 470 tấn thịt, giá trị thu nhập trên 42 tỉ đồng. Thế nhưng đến nay việc mua bán đã đóng băng hoàn toàn.
Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Minh Đạt – Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNN tỉnh Cao Bằng) cho biết: "Hiện nay lượng trâu bò đang tồn trong dân còn rất nhiều, khó bán khi biên giới đang đóng cửa, các ngành chức năng đang đưa ra khuyến cáo tới người dân cần thận trọng không nôn nóng tái đàn".
Cũng theo ông Đạt, ngoài cách chịu lỗ, bán trâu bò đã vỗ béo về các miền xuôi (các tỉnh đồng bằng) người dân không còn quá nhiều lựa chọn ở thời điểm này.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, thời điểm hiện tại, tổng số đàn trâu, bò trên toàn tỉnh là 212.552 con. Tổng số đàn lợn hiện có 322.020 con, đàn gia cầm có tổng số 2.958,74 con.
Liên quan đến nội dung trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng. Theo ông Hà, địa phương xác định việc chăn nuôi gia súc lớn cần tập trung, phải kiểm soát từ khâu con giống đến khi thành phẩm chứ không thể chỉ trông vào vỗ béo trong thời gian ngắn rồi bán đi kiếm lời. Vị Giám đốc Sở NNPTNT đánh giá, cách làm vỗ béo trâu bò để chờ thời điểm bán đi là việc làm mang tính cơ hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải loại bỏ
An Trịnh
Nguồn: Báo Lao Động