Tận dụng mặt nước sẵn có, anh Cao Doãn Bộ ở xóm Nam Thượng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã thử nghiệm nuôi vịt thả sông. Qua 1 năm nuôi, anh nhận thấy, vịt thả sông phẩm chất thịt ngon, hiệu quả kinh tế vượt trội…
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Bộ cùng vợ là chị Võ Thị An về quê tránh dịch. “Con còn nhỏ, hai vợ chồng tha hương, công việc cũng không ổn định, thu nhập cũng không cao. Trong khi đó, ở quê có mẫu đất chưa sử dụng. Do đó, hai vợ chồng bàn nhau, quyết định ở lại lập nghiệp trên đồng đất của mình”, anh Bộ chia sẻ.
Gia trại ở sát bờ sông nên diện tích mặt nước được tận dụng để nuôi vịt. Ảnh: T.P
Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định là điều cần tính toán, cân nhắc kỹ. Cuối cùng, vợ chồng anh quyết định nuôi vịt bầu đất, trồng thêm ngô, lúa để nuôi lợn, gà, trâu, bò. Trại ở sát bờ sông, do đó, anh quyết định thử nghiệm mô hình nuôi vịt thả sông.
Theo đó, vịt sau khi lựa chọn con giống khoẻ mạnh về, được anh tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, nuôi nhốt trong tháng đầu tiên, cho ăn đầy đủ thức ăn bột, thức ăn thô để tăng sức đề kháng.
Sang tháng thứ 2, anh lùa vịt ra dòng sông cạnh nhà để thả. Sáng sáng, anh lùa vịt ra sông, dùng thuyền chèo để giám sát vịt. Vịt sẽ ở trên sông từ sáng đến tối mới lùa về chuồng.
Trong thời gian đó, vịt tự tìm kiếm thức ăn, đồng thời bơi lội thoả thích. “Đây là một nhánh của sông, dân địa phương gọi là rào Gang, lòng sông hẹp và nước sông không quá lớn nên rất thích hợp để chăn thả vịt.
Trên sông, có đủ loại từ phù du như rong rêu, bèo đến các loại cá, ốc, hến để vịt tự tìm kiếm thức ăn. Bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi, chỉ vài ngày mới phải bổ sung thức ăn cho vịt 1 lần, hoặc những ngày mưa gió, vịt mới phải nhốt chuồng”, anh Bộ chia sẻ.
Nhờ ăn đa dạng thức ăn tự nhiên, vận động liên tục cả ngày nên vịt nhanh lớn, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, phẩm chất thịt dai ngon, được thị trường ưa chuộng. Lứa đầu tiên, anh chỉ nuôi 70 con, sau 4 tháng, trung bình mỗi con nặng hơn 2,5 kg, bán với giá 140.000 đồng/con nhưng không đủ cung ứng cho thị trường. Các lứa tiếp theo, anh tiếp tục mở rộng đàn. Lứa nhiều nhất lên đến 500 con.
“Tôi nuôi gối vụ, mỗi năm khoảng 4 – 5 lứa, cũng mang về doanh thu 200 – 250 triệu đồng/năm. Tận dụng thức ăn tự nhiên từ sông, tự túc được lúa, ngô cho vịt nên chi phí đầu tư không nhiều”, anh Bộ chia sẻ.
Do quy mô đàn ở mức 300 – 500 con/lứa, vịt ngon nên rất đắt khách, mới chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng, chưa có để nhập cho các nhà hàng lớn hay các mối sỉ.
Giống vịt bầu Xiêm, ăn thức ăn tự nhiên, vận động dưới nước nên thịt dai, ngon. Ảnh: T.P
“Hiện nay, hầu hết người dân đều đầu tư nuôi vịt công nghệ cao, ăn thức ăn công nghiệp, ở chuồng lạnh. Chăn nuôi theo hình thức này đòi hỏi chi phí lớn, phải liên kết để có đầu ra ổn định. Vợ chồng tôi vừa mới khởi nghiệp, số vốn không nhiều nên lựa chọn chăn nuôi gia trại, thị trường chính là bán lẻ cho dân.
So với vịt công nghiệp thì vịt chăn thả tự nhiên có giá bán cao hơn, thị trường ưa chuộng hơn. Sắp tới, khi đủ kinh nghiệm nuôi, tôi sẽ mở rộng quy mô đàn, xây dựng thương hiệu “Vịt rào Gang” và kết nối để tiêu thụ sản phẩm”, anh Bộ chia sẻ dự định của mình.
Mặt khác, để trang bị kiến thức chăn nuôi, vợ chồng anh tự mày mò học hỏi trên YouTube, TikTok, ứng dụng vào thực tiễn.
Đồng thời, để quảng bá và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vịt của gia đình, hai vợ chồng cũng thường xuyên cập nhật quy trình nuôi, chăm sóc vịt lên mạng xã hội, không ngần ngại live-stream mời mọi người đến tận trại trải nghiệm, thưởng thức… Nhờ đó, vịt thả sông của gia đình anh được nhiều người biết đến và đặt hàng.