VIPA kiến nghị giải pháp khôi phục sản xuất chăn nuôi sau cơn bão số 3

(Người Chăn Nuôi) – Sáng 21/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp. 

Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 diễn ra tại Hà Nội sáng 21/9. Ảnh: Vũ Mưa

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 18/9, bão số 3 đã làm 22.514 con gia súc, 3.097.000 con gia cầm bị chết. Trong đó, 5 tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái… Bên cạnh thiệt hại về gia súc, gia cầm thì cho đến nay thiệt hại về chuồng, trại chưa thể thống kê hết được. Cục Chăn nuôi đã hướng dẫn các địa phương vận dụng chính sách hiện có để tái đàn, xây dựng kế hoạch phục hồi, kịch bản về nguồn cung cấp giống…

Tính đến nay, ngành thủy sản đã nhận được gần 85 tỷ đồng, ngành chăn nuôi gần 79 tỷ đồng và ngành thú y gần 2,4 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) chia sẻ, với tinh thần tương thân, tương ái, các thành viên của Hiệp hội đã và đang quyên góp tiền, vật tư, con giống… ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Đồng thời, ông Sơn cũng kiến nghị, ngoài chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng đã công bố, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại được vay các khoản vay mới với hạn dài hơn, phù hợp với chu kỳ sản xuất của đối tượng vật nuôi. Cùng với đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có chính sách về miễn giảm một số loại thuế, phí như phí kiểm dịch, phí kiểm tra vệ sinh thú y, phí công bố hợp chuẩn, hợp quy thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cho doanh nghiệp; gia hạn việc nộp thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp từ 6 – 12 tháng…

Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi

Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị phía cho doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại được vay các khoản vay mới và miễn giảm một số loại thuế, phí. Ảnh: Vũ Mưa

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, Cục Thủy sản và Cục Chăn nuôi cùng bàn với các hội, hiệp hội ngành hàng để sớm tổ chức hội nghị hỗ trợ cho ngành thủy sản và chăn nuôi. Thứ trưởng cũng cảm ơn sự nhiệt tình chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp và khẳng định sẽ thực hiện hiệu quả công tác phân bổ nguồn tài trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

“Cần công khai danh sách các tổ chức, doanh nghiệp được tài trợ và số tiền được phân bổ; thực hiện phân bổ một cách công bằng, dựa trên nhu cầu và hoạt động của các đơn vị, tránh tình trạng hỗ trợ chung chung không hiệu quả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về các chính sách hỗ trợ phục hồi ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chuẩn bị ban hành một Nghị định mới về các chính sách hỗ trợ. Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng khi các chính sách của Nhà nước được triển khai cùng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về con giống, thức ăn, vật tư… thì chăn nuôi, thủy sản sẽ sớm phục hồi để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Vũ Mưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *