Hiện, toàn tỉnh có gần 1.000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi đang hoạt động, trong đó có 314 mô hình đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, Sở NN&PTNT đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện chuyển đổi số; tổ chức các chương trình hội nghị, lớp tập huấn, đào tạo về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và các kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội.
Chăn nuôi theo quy trình hiện đại giúp HTX chăn nuôi giống gia cầm Hải Thêu trở thành đơn vị cung cấp con giống uy tín.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP và hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, toàn tỉnh hiện có hơn 90% hộ chăn nuôi theo hướng trang trại có ứng dụng công nghệ số; gần 20% hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh; trên 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử và gần 13% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt đã triển khai áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, kết hợp với hệ thống camera giám sát và các phần mềm, hệ thống thiết bị kiểm soát môi trường chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh tại trang trại nuôi lợn thịt, lợn nái ở thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên.
Hay mô hình nuôi gà của gia đình bà Nguyễn Thị Thêu, thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, nuôi các loại gà giống, gà đẻ và ấp nở khép kín với quy mô trên 10 vạn con.
Tin, ảnh: Khánh Linh
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc