Vĩnh Phúc: Chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật dịp cuối năm

Trước diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên phạm vi cả nước, dẫn đến nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Từ đó, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nguy cơ bùng phát dịch

Cuối năm 2021, gia đình anh Nguyễn Hải Tân, xã Đạo Tú (Tam Dương) bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, anh bắt đầu tái đàn nhưng số lượng chỉ khoảng 40 con, giảm hơn nửa so với trước do còn nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.

Những băn khoăn, lo lắng của anh Tân cũng như nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không phải là vô căn cứ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm và 1 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy gần 2.000 con gia cầm; 30 con lợn.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, mặc dù các ổ dịch đã được kiểm soát, hiện trên địa bàn tỉnh không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi… song nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi vào dịp cuối năm là rất cao.

phun khử trùng chuồng trại

Lực lượng thú y phun khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Lượng

Một trong những nguyên nhân chính là do các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến cực đoan, chuyển lạnh, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan, gây bệnh.

Ngoài ra, tổng đàn vật nuôi của tỉnh khá lớn, lên tới 113,8 nghìn con trâu, bò; 490 nghìn con lợn và trên 12 triệu con gia cầm, trong khi đó, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh chiếm đa số.

 

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm.

Đến nay, đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho trên 7,2 triệu lượt con; vắc xin long móng lở mồm cho 159 nghìn lượt con trâu, bò; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò cho 78,8 nghìn con; vắc xin long móng lở mồm cho 106,6 nghìn lượt con lợn nái, lợn đực giống; vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho 57,6 nghìn con; vắc xin tai xanh cho 106,2 nghìn lượt con lợn; vắc xin phòng dại cho 47 nghìn con chó, mèo.

Ngoài ra, các ngành chức năng đã phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho gần 221 nghìn lượt hộ chăn nuôi.

Trước nguy cơ bùng phát dịch cao trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương, nhất là tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tập huấn về các loại dịch bệnh nguy hiểm; nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, cần tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy dịch, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng và các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y vào địa bàn tỉnh.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm như chú trọng công tác tiêm phòng, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, bổ sung khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi…

Ông Lăng Xuân Hảo, xã Tam Quan (Tam Đảo) cho biết: “Trang trại của gia đình tôi đang nuôi 1,3 vạn gà đẻ. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước, tôi cũng chủ động tiêm vắc xin đầy đủ, theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tập trung chăm sóc, phòng chống rét cho đàn gia cầm…”.

Phùng Hải

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *