Trong số 10 nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt heo/sản xuất là 105,4%.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 27/7, tại Hà Nội.
Giá heo hơi dự báo sẽ tăng nhẹ
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các năm 2021 và 2022, Việt Nam đều đứng thứ 6 trong số các nước có thị phần sản lượng thịt heo cao nhất thế giới, chiếm 2,4% (2021) và 2,5% (2022) tổng sản lượng thịt heo toàn cầu.
Trong số 10 nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt heo/sản xuất là 105,4%, nghĩa là sản xuất thịt heo trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt heo.
Với hơn 3,1 triệu tấn thịt xẻ quy đổi năm 2022 cùng với 114 nghìn tấn thịt xẻ nhập khẩu thì lượng thịt heo xẻ bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 32kg thịt heo xẻ/người/năm (năm 2021 khoảng 30kg thịt heo xẻ/người/năm).
Về giá thịt heo, từ đầu năm 2021, giá heo thịt thế giới chững lại và giảm do sự tăng trưởng nguồn cung của các nước và khu vực có tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, EU và Brazil.
Tại Việt Nam, từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021 giá heo hơi xuất chuồng giảm 30 – 50%, duy trì ở mức thấp 41.000 – 46.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ và có xu hướng tăng dần đến tháng 6/2022, trong đó, mức cao nhất quanh 54.000 – 57.000 đồng/kg; từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2022 giá tăng cao đỉnh điểm 61.000 – 68.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đạt 73.000 đồng/kg.
Sau đó giảm dần đến đầu năm 2023 ở mức từ 50.000 – 52.000 đồng/kg. Giá heo thịt hơi xuất chuồng của 3 miền biến động khá thống nhất, không có chênh lệch lớn giữa các vùng, tuy nhiên, do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh nhất định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm mặc dù phát triển ổn định về số lượng đầu con nhưng giá các loại sản phẩm chăn nuôi của các đối tượng vật nuôi heo, gà, trâu, bò, dê thấp hơn giá thành sản xuất trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận người chăn nuôi, khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng các đàn vật nuôi.
Cụ thể, giá thịt heo hơi xuất chuồng tháng 1 và 2 dao động trung bình 51.000 – 52.000 đồng/kg và sang tháng 3 giảm xuống trung bình còn 49.000 đồng/kg, giá tăng trở lại vào cuối tháng 4, sang tháng 5 giá trung bình 55.300 đồng/kg; giá heo hơi trung bình tháng 6 đạt 59.000 đồng/kg.
Giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất từ tháng 1 đến tháng 5 đã tác động đến tốc độ tăng trưởng số lượng đàn heo của cả nước (giảm đều từ 10,4% tháng 1 xuống còn 2,5% tháng 6/2023), đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
Giá heo hơi tiếp tục tăng trong tháng 6/2023, dao động trong khoảng 58.000 – 63.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng 5/2023 tùy khu vực.
Như vậy, đến cuối tháng 6/2023, giá heo hơi trên cả nước tăng khoảng 12% so với tháng đầu năm 2023 và tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồ thị diễn biến giá thịt heo hơi xuất chuồng năm 2022 – 2023 (ĐVT: nghìn đồng/kg – Nguồn Cục Chăn nuôi tổng hợp)
Giá thịt heo tại các chợ đầu mối, bán lẻ và siêu thị trong tháng 6 tương đối ổn định so với tháng trước. Theo đó, tại chợ đầu mối, thịt heo nạc thăn 120.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 125.000 đồng/kg; thịt mông sấn 115.000 đồng/kg. Tại chợ bán lẻ, thịt heo nạc thăn 125.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 125.000 – 130.000 đồng/kg; thịt mông sấn 120.000 đồng/kg.
Tại siêu thị Big C, thịt heo nạc thăn 145.800 đồng/kg; thịt mông sấn 130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 135.000 đồng/kg. Siêu thị Winmart, thịt heo nạc thăn là 148.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 169.000 đồng/kg; thịt mông sấn là 130.000 đồng/kg. Siêu thị Metro, thịt heo nạc thăn là 125.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg; thịt mông sấn giá 110 nghìn đồng/kg.
Sang tháng 7, giá heo hơi tại các tỉnh tiếp tục tăng, có tỉnh đạt ngưỡng 68.000 đồng/kg. Giá trung bình đến ngày 22/7 dao động 63.000 – 66.000 đồng/kg ở miền Bắc, 60.000 – 62.000 đồng/kg ở miền Trung và 60.000 đồng/kg ở miền Nam – đây là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay.
Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) – đánh giá, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.
Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 – 7%/năm, riêng năm 2019, 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 – 20%. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%; sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 60 – 65%.
Cơ cấu nguồn cung thịt heo năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank -VCBS).
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát…) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Không để giá heo hơi ảnh hưởng đến chỉ số CPI
Hiện, trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt, thịt heo chiếm tới 73,3%, thịt gia cầm là 17,5% và chỉ 9,2% còn lại là thịt đỏ (bò, trâu, dê, cừu…), ông Phạm Kim Đăng nhận định, ngành chăn nuôi heo Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn gần 100 triệu dân với khách du lịch quốc tế ngày càng tăng sau khi các hoạt động du lịch, hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức lại.
Hơn nữa, thịt heo là loại thực phẩm được yêu thích và là một trong những loại thực phẩm chính sử dụng hàng ngày của người Việt Nam. Đây là những thuận lợi cho phát triển ngành chăn nuôi heo trong thời gian tới. Nhận định về giá heo hơi thời gian tới, ông Phạm Kim Đăng cho rằng, giá heo hơi có thể tăng nhưng sẽ không tăng đột phá.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định, ngành chăn nuôi sau thời gian dài đứng ở mức giá thấp, thậm chí thấp hơn giá thành thì hiện giá thịt heo đã có chuyển biến tích cực. Giá heo hơi nói riêng và giá thực phẩm có xu hướng tăng. Do đó, cần bàn các giải pháp, giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết giết mổ, sơ chế, chế biến ra sao để chúng ta vẫn giữ được nhịp tăng trưởng chăn nuôi, giữ được giá bán nhưng phải giữ được chỉ số CPI.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi heo cần thay đổi tư duy. Theo đó, chăn nuôi heo không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà cần hướng đến xuất khẩu, cần đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu. “Tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi heo là rất lớn, nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Cần hướng tới xuất khẩu. Ra biển khắc biết bơi. Đây là giải pháp căn cốt nhất để nâng cao sức tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguyễn Hạnh