(Người Chăn Nuôi) – Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU sau Hà Lan, với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 17% thương mại của Việt Nam với EU, trong đó xuất khẩu chiếm 15% và nhập khẩu chiếm 23%. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức chủ yếu nhờ nhóm hàng nông thủy sản.
Đức được biết đến là quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó phải kể đến các loại thịt như thịt heo, thịt bò hay các chế phẩm từ thịt. Cụ thể, Đức dẫn đầu châu Âu về sản xuất và xuất khẩu thịt heo, đứng thứ hai về sản xuất, xuất khẩu thịt bò. Năm 2019, Đức đã xuất khẩu khoảng 363.000 tấn thịt bò và 2,8 triệu tấn thịt heo tới khoảng 100 nước trên thế giới. Ngoài ra, Đức cũng là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến thịt với hàng trăm năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các sản phẩm như xúc xích, thịt đông lạnh, giăm bông…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Đức là một trong 5 thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam trong quý II năm nay. Ảnh: ST
Về phía Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt heo và thịt bò ngày càng gia tăng, trong khi sản lượng thịt trong nước đôi khi lại chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt đã bắt đầu làm quen và gia tăng sử dụng các sản phẩm thịt đông lạnh, chế biến. Do đó, lượng thịt bò và thịt heo nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 717.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm. Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh…
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT ngày 27/9 vừa qua, bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, Đức hiện nay đang xuất khẩu sản phẩm thịt heo sang Việt Nam, tuy nhiên phía nước này đang gặp vướng mắc do Việt Nam chưa có các đầu mục danh sách để doanh nghiệp Đức có thể xuất khẩu được thịt heo sang Việt Nam. Bà Helga Margarete Barth bày tỏ mong muốn phía Bộ NN&PTNT phối hợp để các doanh nghiệp Đức đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận 78 doanh nghiệp của Đức, trong có 67 doanh nghiệp xuất khẩu động vật trên cạn và 11 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đức là một trong 4 nước xuất khẩu lớn nhất động vật trên cạn sang Việt Nam, với trên 30.000 tấn, chiếm 7,7% lượng thịt và phụ phẩm xuất khẩu vào Việt Nam.
Về việc cập nhật danh mục điều kiện của các doanh nghiệp Đức xuất khẩu vào Việt Nam, ông Long cho biết, trước đây các quốc gia và doanh nghiệp xuất khẩu chỉ đăng ký danh sách sản phẩm động vật với tên gọi chung là “thịt, sản phẩm thịt động vật”, tuy nhiên hiện nay, theo tiêu chuẩn mới của Chính phủ Việt Nam, yêu cầu các giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của các nước gửi kèm lô hàng phải ghi tên cụ thể từng loại sản phẩm (thịt vai, thịt đùi, chân, tai, mũi, xương…), dẫn đến việc không thống nhất với tên hàng, gây khó khăn cho các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu và hải quan. Thời gian qua, Cục Thú y cũng đã làm việc với phía Đại sứ quán Đức để cùng phối hợp cho các danh mục tiêu chuẩn trên. Do vậy, Cục Thú y hy vọng tới đây, mọi khó khăn giữa hai bên sẽ sớm có kết quả như mong muốn.
Cũng liên quan đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ, hiện Việt Nam đã xuất khẩu mật ong sang Đức, tuy nhiên số lượng hàng năm còn rất khiêm tốn và giảm liên tục do EU đưa ra nhiều chỉ tiêu kim loại và tiêm chủng gây khó khăn cho xuất khẩu ong của Việt Nam. Phía Việt Nam đã làm việc về vấn đề này và dự kiến đầu tháng 10 tới đây, phía EU trong đó có Đức sẽ sang Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn này.
Thùy Khánh