Vì sao chăn nuôi bò sữa ở Lý Nhân giảm đàn?

Chăn nuôi bò sữa được huyện Lý Nhân (Hà Nam) xác định là hướng đi mới giúp nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân. Thời gian cao điểm, tổng đàn bò sữa của huyện lên tới gần 600 con và được nuôi ở khá nhiều địa phương (Nguyên Lý, Chính Lý, Nhân Bình, Nhân Đạo, Nhân Mỹ, Hòa Hậu). Trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng 2 khu chăn nuôi bò sữa tập trung tại Nhân Bình, Nguyên Lý. Tuy nhiên, đàn bò sữa lại đang giảm mạnh trong thời gian gần đây. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Qua tìm hiểu tại xã Nguyên Lý, nơi có đàn bò sữa nhiều nhất huyện Lý Nhân, được biết, chăn nuôi bò sữa đang giảm cả về số lượng và hộ nuôi. Tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung của xã hiện chỉ còn 3 hộ, giảm 3 hộ (50%) so với trước đây. Số hộ còn nuôi trong khu cũng đều giảm đàn so với trước. Cụ thể, hộ anh Trần Văn Hợp (nuôi bò sữa vào năm 2014), từ 10 con bò sữa ban đầu, anh Hợp đã phát triển lên 45 con và duy trì trong khoảng gần 6 năm (giai đoạn từ 2018 đến đầu 2024). Tuy nhiên, đàn bò sữa của anh hiện chỉ còn duy trì 23 con, trong đó có 8 con đang cho sữa, còn lại là bê và bò nái hậu bị. Anh Hợp chia sẻ: Chăn nuôi bò sữa hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ngay với thức ăn xanh, phải nhập 90% vì chưa thể phục hồi lại sau lũ (từ tháng 9/2024). Đàn bò hiện có cho sản lượng 80 kg sữa/ngày, nhưng gia đình đang phải bù lỗ khoảng 500 nghìn đồng /ngày chi phí nuôi dưỡng. Hi vọng thời gian tới sản xuất sẽ ổn định trở lại khi nguồn thức ăn xanh được bảo đảm để có thể tiếp tục tăng đàn.

nuôi bò Lý Nhân

Thiếu thức ăn xanh cho bò sữa, anh Trần Văn Hợp (Nguyên Lý) phải mua cỏ ủ giá cao từ nơi khác.

Nhìn chung trên địa bàn huyện Lý Nhân, chăn nuôi bò sữa hiện chỉ còn duy trì tại 2 xã Nguyên Lý, Nhân Bình, mỗi nơi 4 – 5 hộ nuôi. Một vài địa phương khác còn nuôi rất ít: xã Xuân Khê có 1 hộ nuôi, số lượng 68 con; thị trấn Vĩnh Trụ 1 hộ nuôi 3 con. Các xã người dân bỏ không còn chăn nuôi bò sữa, gồm: Hòa Hậu, Nhân Mỹ, Trần Hưng Đạo. Năm 2014 hộ ông Trần Văn Năm, xã Hòa Hậu đã phát triển đàn bò sữa lên đến hơn 100 con tại vùng bối Nhân Hòa ven sông Hồng. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi do nhiều yếu tố tác động, nhất là giai đoạn giá sữa bán thấp (khoảng năm 2016) dẫn đến đàn bò sữa tại Hòa Hậu không còn được duy trì. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Chăn nuôi bò sữa của huyện không còn phát huy được thế mạnh và hiệu quả. Khả năng đàn bò sẽ tiếp tục giảm, những hộ còn số lượng ít rất dễ chuyển sang ngành nghề khác…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chăn nuôi bò sữa tại Lý Nhân giảm đàn. Cụ thể, quá trình chăn nuôi, một số hộ không thực sự quan tâm học hỏi kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, vì thế, đàn bò sữa dễ mắc bệnh đặc trưng về sinh sản không được phát hiện kịp thời… Việc chăn nuôi không bảo đảm dẫn đến sản lượng sữa thấp, lợi nhuận không đạt. Tại Khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Nguyên Lý cách đây hơn 2 năm có hộ bị chết hơn 10 con bò sữa không rõ nguyên nhân, hộ dân không còn khả năng để phục hồi đàn. Cùng với đó, giá cám chăn nuôi tăng cao (gấp 2 lần trong vòng 10 năm), nhưng giá sữa vẫn giữ nguyên không tăng, lợi nhuận đem lại thấp. Một vấn đề nữa dẫn đến đàn bò sữa của huyện (tập trung ở xã Nguyên Lý) sụt giảm mạnh thời gian gần đây là do tác động từ đợt lũ trên sông Hồng lên trên báo động 3 (giữa tháng 9/2024) gây ngập toàn bộ vùng bãi có Khu chăn nuôi bò sữa tập trung. Lũ lên gây chết phần lớn lượng thức ăn xanh (cỏ, ngô) trồng tại đây; sau lũ người nuôi phải mua thức ăn xanh bên ngoài cho bò giá đắt gấp 2 lần tự trồng. Thêm nữa quá trình di dời chạy lũ đã làm nhiều con bò sữa bị bong móng phải thải loại…

Chăn nuôi bò sữa của huyện Lý Nhân hiện còn duy trì chính tại Khu chăn nuôi bò sữa xã Nhân Bình, 1 hộ tại xã Xuân Khê, 3 hộ ở xã Nguyên Lý (cả trong khu chăn nuôi tập trung và khu dân cư). Đây là những hộ được đánh giá có kinh nghiệm và xác định chăn nuôi bò sữa là hướng phát triển kinh tế chính nên quan tâm đầu tư cho đàn bò sữa về mọi mặt. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Bắc, người đầu tiên nuôi bò sữa tại xã Nguyên Lý có chuồng trại nằm trong khu dân cư  nhưng vẫn duy trì số lượng gần 70 con. Đàn bò của anh Bắc đạt năng suất sữa ổn định và cho lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/con/tháng. Theo anh Bắc: Khi đã nắm vững kỹ thuật và có sự đầu tư phù hợp chăn nuôi bò sữa vẫn đem lại giá trị ổn định và cao hơn nhiều so với các loại gia súc khác. Với quy mô chuồng trại hiện có, tôi tiếp tục giữ ổn định đàn bò sữa xung quanh 70 con, duy trì trên 30% số con cho sữa để bảo đảm nguồn thu và lợi nhuận.

Bò sữa được xác định là con nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao trong quá trình chăm sóc. Trong đó, người nuôi phải đầu tư tốt về thức ăn, chất dinh dưỡng; phòng chống dịch bệnh chung; nhận biết tốt và hạn chế những bệnh đặc trưng, như: viêm tuyến vú, bệnh sinh sản… Để khuyến khích chăn nuôi bò sữa, ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò sữa. Như vậy, bò sữa mới phát huy được hiệu quả thực sự, được duy trì và phát triển đàn.

Mạnh Hùng

Nguồn: Báo Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *