(Người Chăn Nuôi) – Từ đầu năm đến nay, Cục Thú y đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt trên 9 tỷ đồng, nhiều hơn 38 quyết định và số tiền tăng lên 8 tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2023.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm, Cục Thú y đã phối hợp cùng các địa phương xử lý 114 vụ vi phạm với tổng số 56.900 quả trứng gia cầm; 208.937 con động vật và 53.178 kg sản phẩm động vật (tham gia phối hợp về mặt kỹ thuật để tiêu hủy). So với cùng kỳ năm 2023, đã tăng lên 85 vụ vi phạm, tăng 56.900 quả trứng gia cầm, tăng 44.898 kg sản phẩm động vật và giảm 66.563 con động vật.
Lực lượng thú y phối hợp cùng các đơn vị liên ngành kiểm tra hoạt động vận chuyển gia cầm tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: ST
Về lĩnh vực thuốc thú y, hiện đã có 2.697 sản phẩm thuốc tiến hành thủ tục công bố hợp quy. Đồng thời, Cục Thú y tiếp nhận và giải quyết gần 9.000 hồ sơ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu cho 39 công ty; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cho 7 công ty; Kiểm tra và cấp mới giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) cho 3 công ty và gia hạn giấy chứng nhận đối với 1 công ty; đôn đốc các công ty sản xuất thuốc thú y khẩn trương thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, để phân tích nguy cơ đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phân tích, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y trên cơ sở thông tin do các cơ quan có thẩm quyền về thú y của các nước cung cấp, nhằm phục vụ việc kiểm soát nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam; kết hợp tổ chức các cuộc họp với đại sứ quán các nước để trao đổi các vấn đề liên quan đến đánh giá nguy cơ nhập khẩu động vật, kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật; xây dựng kế hoạch và tham gia các đoàn công tác kiểm tra thực tế chuỗi chăn nuôi động vật lấy thịt, sản xuất thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm của các nước bao gồm: Séc, Belarus, Ireland và Tây Ban Nha để hoàn tất quá trình phân tích nguy cơ nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 6, Cục Thú y đã gửi 38 lượt công văn trả lời 23 nước về đánh giá nguy cơ nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật bao gồm: Động vật sống (gà/trứng giống, tinh heo) và sản phẩm động vật (thịt loài nhai lại, heo thịt, thịt gia cầm, thịt linh dương và sản phẩm thịt động vật; trứng và sản phẩm trứng; mật ong).
Cũng trong 6 tháng, Cục Thú y đã tiếp nhận và xử lý 644 hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của 21 quốc gia, gần 14.000 hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản. Qua đó, chấp thuận 29 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam và đề nghị 36 cơ sở sản xuất cung cấp thông tin. Đáng chú ý, công tác kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn và dưới nước đạt trên 1 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái; động vật sống đạt gần 34 triệu con, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Minh Khuê