Dự kiến trong tháng 2/2023 sẽ công bố việc thương mại và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc.
Chiều 31/1, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra cuộc họp đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi trên thực địa của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam.
Vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022 và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi heo….
Ông Nguyễn Văn Điệp – Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam – cho biết, đến cuối tháng 12/2022 đã tiêm phòng vắc xin trên 1.800 con heo tại 13 trang trại ở các tỉnh thành phố.
Họp đánh giá kết quả sử dụng 600 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn Châu Phi trên thực địa
Kết quả lấy mẫu cho thấy, 94,4% đáp ứng yêu cầu miễn dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp cùng Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức tiêm tại các trại chăn nuôi gia công của doanh nghiệp này.
Theo ông Đoàn Anh Tuấn – Trung tâm chẩn đoán kiểm nghiệm thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, trước khi tiêm phòng ở quy mô lớn, Công ty đã tiến hành tiêm thử nghiệm ở quy mô nhỏ đối với 650 con heo thịt.
Kết quả cho thấy, heo không có phản ứng phụ sau tiêm phòng vắc xin, tất cả heo đều có sức khỏe bình thường, không phát hiện vi rút sau khi tiêm 14 ngày.
Đối chứng kết quả với đàn heo không được tiêm cho thấy, đàn heo không được tiêm không có kháng thể còn đàn heo được tiêm có kháng thể 40% sau 14 ngày, và 90% sau 28 ngày tiêm.
Được sự cho phép của Cục Thú y, công ty đã tiến hành tiêm vắc xin ở quy mô lớn và đã tiêm cho 600.544 con heo tại 545 trang trại gia công cho công ty. Sau 4 đến 5 tuần sau khi tiêm vắc xin tiến hành lấy mẫu ở cả 3 miền, đã lấy 5.958 mẫu kiểm tra, kết quả cho thấy 93,34% mẫu đáp ứng khả năng miễn dịch.
Nhằm bảo đảm khi đưa vắc xin vào sử dụng trên diện rộng đạt yêu cầu về chất lượng như: vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ, tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cần tăng tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra để có những đánh giá chính xác hơn.
Đồng thời có thêm những đánh giá khi triển khai tiêm phòng ở quy mô hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi hiện nay các trang trại được tiêm hầu hết đang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cao.
Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đề nghị, doanh nghiệp cần có những đánh giá kỹ hơn về dịch tễ, lịch sử cơ sở chăn nuôi, nguy cơ mầm bệnh,… Đây là điều kiện quan trọng để tiêm phòng vắc xin thành công khi triển khai trên diện rộng.
Đặc biệt, cần lưu ý phân tích về yếu tố dịch tễ của bệnh dịch tả heo châu Phi và dịch tễ các loại mầm bệnh khác. Đồng thời, lưu ý khi tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi với các vắc xin khác là như nào để có hướng dẫn chi tiết.
Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tiến độ triển khai và kết quả tiêm vắc xin trên thực địa đến thời điểm hiện nay, dự kiến trong tháng 2 sẽ công bố việc thương mại và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi trên toàn quốc.
Ông Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Thú y phối hợp với doanh nghiệp sản xuất vắc xin và doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng vắc xin có những hướng dẫn, khuyến cáo chặt chẽ với người chăn nuôi khi tiêm phòng vắc xin như: đối tượng tiêm, độ tuổi tiêm, liều lượng, khoảng cách khi tiêm các loại vắc xin phòng bệnh khác nhau. Đặc biệt quan tâm đến giám sát chất lượng vắc xin. Sau khi tiêm phải có đánh giá về độ dài miễn dịch của vắc xin.
Doanh nghiệp cần có báo cáo chi tiết quá trình tiêm vắc xin cũng như đánh giá thêm về độ dài miễn dịch của vắc xin sau khi tiêm; giám soát vi rút ngoài thực địa… Qua đó, làm cơ sở để Bộ đánh giá chính xác về loại vắc xin này trước khi công bố được sử dụng trên diện rộng.
‘Mặc dù, vắc xin sau khi tiêm đạt miễn dịch 93,34% nhưng đây là loại vắc xin khó nên phải tiếp tục giám sát từ vi rút cho đến các yếu tố tác động ngoài thực địa, trong đó, chú trọng đến kết quả tiêm phòng ở quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ. Cục Thú y và đơn vị sản xuất vắc xin và doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng vắc xin phải có hướng dẫn sát thực tiễn hơn cho người chăn nuôi’ ông Phùng Đức Tiến đề nghị.
Nguyễn Hạnh