Ứng dụng hầm biogas trong xử lý nguồn chất thải từ chăn nuôi cũng như nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả tích cực cho người sản xuất. Đặc biệt, qua hệ thống xử lý biogas, cơ bản người sản xuất đã chủ động khắc phục, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý tốt các nguồn lây lan mầm bệnh từ quá trình đưa các chất thải ra môi trường…
Ông Trần Văn Đực, ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: trước đây, nuôi heo số lượng ít, nên sử dụng hầm biogas bằng composite; từ năm 2020 chuyển sang sử dụng hầm biogas bằng túi ni-lông, với 02 hầm biogas (thể tích 1.000 m3/hầm) đảm bảo lượng heo nuôi trong trang trại luôn đạt từ 350 con heo nái và hơn 1.000 con heo thịt trở lên. Sử dụng biogas trong xử lý chất thải vừa đảm bảo môi trường và hạn chế thấp nhất mùi hôi thải ra ngoài không khí cũng như các mầm bệnh trong quá trình chăn nuôi.
Nguồn nước thải trong khu vực nuôi thủy sản cần được xử lý triệt để hạn chế ô nhiễm, mầm bệnh trước khi đưa ra môi trường (hệ thống nước thải trong khu vực nuôi tôm ở ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang).
Được biết Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai từ năm 2007 đến nay; qua đó, triển khai thực hiện được 13.093 hầm biogas (trong đó, giai đoạn 2007 – 2015: với 3.921 hầm biogas, mỗi công trình được trợ giá 1,2 triệu đồng sau khi nghiệm thu cho hộ xây dựng công trình; giai đoạn 2016 đến nay được 9.172 công trình khí sinh học KT2 và Composite; mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/công trình/01 hộ).
Đồng chí Lưu Văn Phúc, Trưởng Phòng Chăn nuôi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” do Tổ chức Phát triển Hà Lan hỗ trợ; cùng với đó, ngành nông nghiệp còn thực hiện nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tọa đàm, tư vấn trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; mô hình chăn nuôi heo cái sinh sản… để khuyến khích người nuôi tái đàn, đồng thời hướng dẫn người nuôi cách xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học.
Bên cạnh “tiên phong” trong lĩnh vực xử lý chất thải trong chăn nuôi; những năm gần đây, biogas đang dần được phát triển và ứng dụng rộng rãi vào xử lý chất thải trong các ao nuôi thủy sản (tôm) trước tình hình ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đang tăng. Do đó, các hộ nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao, đòi hỏi lượng chất thải phải được xử lý triệt để (chủ yếu phân tôm, thức ăn thừa, vỏ tôm…) trước khi đưa nguồn nước trở lại môi trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng Kim Định, ấp Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang cho biết: năm 2022, gia đình được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao bằng hầm biogas composite (16 m3/02 hầm). Việc xử lý chất thải trong nuôi tôm qua biogas tiết kiệm hơn so với xử lý bằng ao trữ, sau đó đưa cloramin vào để diệt khuẩn…
Biogas trong xử lý các chất thải từ nuôi tôm còn quản lý được nguồn mầm bệnh không để lây lan ngoài môi trường và các hộ nuôi tôm xung quanh cũng an tâm hơn khi mật độ ao nuôi tôm dày đặt, làm cho nguồn nước thải và cấp vào ao luôn bị ô nhiễm, dịch bệnh lây nhiễm…
Cũng theo đồng chí Lưu Văn Phúc, hiện nay dự án đã kết thúc, tỉnh tiếp tục vận động người nuôi tự xây lắp biogas để đưa vào tham gia dự án, phấn đấu giai đoạn từ 2022 – 2026, sẽ tập trung xây dựng, lắp đặt và vận hành 4.000 công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh (800 công trình/năm). Đây là cơ hội tốt cho người nuôi ở tỉnh nhà với mục tiêu chung là khai thác lợi ích của việc xây dựng các công trình khí sinh học đóng góp trong lĩnh vực chăn nuôi phát thải thấp.
Bài, ảnh: Hữu Huệ
Nguồn: Báo Trà Vinh