Ứng dụng công nghệ tối ưu trong chăn nuôi lợn

(Người Chăn Nuôi) – Chiều 19/3, diễn đàn “Đổi mới ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc – Việt Nam” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đã thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ hai quốc gia cùng thảo luận việc tối ưu hóa công nghệ trong chăn nuôi lợn. 

Sự kiện tập trung thảo luận về việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăn nuôi lợn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi tại hai nước. Hiện nay, Trung Quốc sở hữu đàn lợn lớn nhất thế giới, trong khi Việt Nam đứng thứ 6. Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi của hai quốc gia, AI sẽ tạo ra cơ hội mới, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong khu vực trung tâm của châu Á – Thái Bình Dương, có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ chăn nuôi ngày càng cao. Cả hai nước đều sở hữu quy mô đàn vật nuôi lớn nhất khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm 2024, Việt Nam sản xuất và xuất chuồng hơn 5,16 triệu tấn thịt lợn hơi, tăng 6,6% so với năm 2023, đứng thứ 6 thế giới về sản lượng. Sản lượng thịt gia cầm hơi của Việt Nam năm 2024 đạt 2,43 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023 và đứng thứ hai thế giới về sản lượng.

“Chăn nuôi lợn tại Việt Nam và Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp quyết định trong kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi”, ông Dương nhận định. Cũng theo ông Dương, chăn nuôi cần phải tuân thủ những quy định ngày càng cao về vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, trong đó kiểm soát môi trường và khí nhà kính sẽ gia tăng áp lực cho ngành chăn nuôi.

Tòa nhà nuôi lợn 26 tầng

Tòa nhà nuôi lợn 26 tầng tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã trình bày những giải pháp ứng dụng công nghệ số trong ngành chăn nuôi, bao gồm sử dụng AI để theo dõi sức khỏe của đàn lợn, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa quy trình chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Một trong những điểm nổi bật là việc áp dụng AI trong việc dự đoán tình trạng sức khỏe của lợn, từ đó giúp người chăn nuôi lợn có biện pháp can thiệp kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi.

PGS.TS. Lê Văn Phan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, công nghệ xét nghiệm nhanh, giám sát thông minh và các phương pháp phòng ngừa mới đã giúp giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn hơn.

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, năm 2024, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 57,06 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu. Tính đến cuối năm 2024, tổng đàn lợn của Trung Quốc đạt 427,4 triệu con. Trong đó, đàn lợn nái đạt 40,78 triệu con, giảm 640.000 con so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng cơ sở giết mổ lợn với công suất hơn 500 con/năm tại Trung Quốc đã vượt hơn 70% tổng số cơ sở giết mổ lợn tại Trung Quốc vào năm 2024. Trung Quốc có 26 cơ sở giết mổ lợn hàng đầu với hơn 2 triệu con lợn mỗi cơ sở chiếm khoảng 30% tổng số cơ sở giết mổ của cả nước. Dự báo, xu hướng tập trung hóa và mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ tiếp tục gia tăng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc, dẫn đến những thay đổi đáng kể về phân bố địa lý và mô hình hoạt động. Những thay đổi này phản ánh sự thích ứng của ngành đối với những thách thức do dịch tả lợn châu Phi đặt ra, nhằm tăng cường an ninh sinh học, nâng cao hiệu quả và ổn định nguồn cung thịt lợn của đất nước.

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, buộc các doanh nghiệp lớn phải tích hợp chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả. Do đó, xu hướng chuyên môn hóa và tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều khiển và quản lý chăn nuôi thông minh ngày càng thể hiện rõ tại Trung Quốc.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia cùng các đối tác từ Trung Quốc và Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm về quản lý giống, dinh dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng công nghệ trong ngành chăn nuôi. Những giải pháp này sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn của hai quốc gia trong tương lai.

Minh Khuê

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *