Ứng dụng cây trồng CNSH: Giải pháp cần lưu tâm

(Người Chăn Nuôi) – Phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) có năng suất, chất lượng cao làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) là một giải pháp cần lưu tâm, góp phần bổ sung thêm nguồn cung nguyên liệu từ sản xuất trong nước, giảm bớt gánh nặng nhập khẩu, đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Tuấn (ảnh), Giám đốc Pháp chế Công ty Syngenta khu vực Châu Á, thành viên của Tổ chức CropLife tại Việt Nam trước câu hỏi làm thế nào để giảm giá TĂCN?

Giá TĂCN của Việt Nam liên tục tăng cao, nguyên nhân được cho là do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ông nghĩ gì về điều này?

Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở top đầu thế giới, song ngành sản xuất TĂCN công nghiệp nước ta vẫn cần nhập khẩu 70 – 85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng như giá trị. Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như biến đổi khí hậu đã tác động khá mạnh, làm giảm sản lượng của các cây trồng chính phục vụ TĂCN (ngô, đậu tương) tại thị trường xuất khẩu như Mỹ, Argentina, Brazil. Theo AgroMonitor, giá ngô (chiếm 40 – 50% tỷ trọng trong TĂCN) trên thế giới tăng khiến giá thành TĂCN tăng. Giá ngô trên thị trường thế giới thời điểm cao nhất vào tháng 3, 4/2021 là 290 USD/tấn so mức giá tháng 7/2020 là 130 USD/tấn. Giá ngô tháng 7/2021 ở mức 220 USD/tấn. Cùng với đó, giá đậu tương tăng 20 – 30% và giá lúa mỳ cũng tăng do sản lượng ở một số quốc gia xuất khẩu chính bị giảm. Ngoài ra, giá cước vận chuyển bằng đường biển trên thế giới cũng tăng liên tục. Đây chính là những nguyên nhân đẩy giá TĂCN trong nước tăng thời gian qua.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, ứng dụng cây trồng CNSH sẽ giúp Việt Nam giải được bài toán khó về nguyện liệu trong sản xuất TĂCN, quan điểm của ông về vấn đề này?

Các cải tiến về CNSH trong nông nghiệp hiện được ứng dụng mạnh mẽ và phổ biến nhất trên những cây trồng chính như ngô, đậu tương, cải dầu… đều là những cây nguyên liệu TĂCN. Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng các giống cây trồng CNSH đã tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt về năng suất ở các cây trồng này so với cây trồng cùng loại trên cùng một đơn vị diện tích. Các nước sớm ứng dụng và có tỷ lệ ứng dụng cây trồng CNSH hơn 90% trên toàn cầu như Mỹ, Argentina, Brazil hiện đang là những quốc gia xuất khẩu TĂCN hàng đầu thế giới.

Tại Việt Nam, ngô CNSH đã và đang chứng minh được lợi ích nổi bật về gia tăng năng suất cũng như cho hạt thương phẩm với chất lượng cải thiện hơn, tuy nhiên hiện tỷ lệ ứng dụng còn chưa cao. Để giải quyết được vấn đề về TĂCN, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể và dài hạn, trong đó việc thúc đẩy ứng dụng cây trồng CNSH là một trong các giải pháp cần lưu tâm để bổ sung thêm nguồn cung từ sản xuất trong nước, giảm bớt gánh nặng nhập khẩu, đặc biệt thị trường TĂCN không dễ dự đoán trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu gia tăng.

 

Ông có thể cho biết tình hình ứng dụng cây trồng CNSH hiện nay ở Việt Nam ra sao, nhất là đối với ngô biến đổi gen (BĐG)?

Tại Việt Nam, ngô BĐG đã được chính thức cấp phép canh tác thương mại từ năm 2014 – 2015. Ngô cũng là một trong các cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chúng ta cũng là một trong các nước canh tác ngô nhiều nhất trên thế giới. Việc đưa các giống CNSH được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung cho chuỗi thực phẩm và TĂCN trong nước.

Việc trồng ngô cần tính tới phương án xây dựng chuỗi giá trị thích hợp – Ảnh: IE

Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô BĐG khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy, mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng. Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích thì tới nay diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Chỉ so sánh riêng giai đoạn năm 2018 – 2019, tỷ lệ tăng trưởng là 86%.

 

Tiềm năng và lợi ích đã nhìn thấy, vậy còn những thách thức thì sao thưa ông?

Ứng dụng cây trồng CNSH, cụ thể là ngô BĐG trong thời gian qua gặp 2 khó khăn. Thứ nhất, diện tích canh tác ngô trên cả nước nhìn chung giảm do các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Thứ hai, việc cấp phép, giới thiệu các giống cây ngô CNSH thế hệ mới, cải tiến hơn với các tính trạng nổi bật hơn có thể thích ứng tốt với điều kiện khí hậu và dịch bệnh mới đang bị chậm trễ, nông dân do đó bị hạn chế về lựa chọn giống phù hợp.

 

Để thúc đẩy việc phát triển ứng dụng cây trồng CNSH tại Việt Nam, chúng ta nên làm gì thưa ông?

Thứ nhất, các công ty, đơn vị nghiên cứu phát triển cần tiếp tục giới thiệu các giống cây trồng mới có khả năng thích ứng cao hơn với điều kiện canh tác và khí hậu Việt Nam, đặc biệt tăng khả năng chống chịu đối với các điều kiện bất thuận của môi trường và dịch bệnh mới. Hiện nay, tôi được biết, các giống ngô CNSH có khả năng kháng lại sâu keo mùa thu (FAW) – một trong các dịch bệnh nguy hại tấn công cây ngô từ năm 2019 trở lại đây trên toàn cầu. Ngoài ra một số các công ty thành viên của chúng tôi cũng đang nghiên cứu và cho ra các giống cây có khả năng chịu hạn… Đồng thời, việc giới thiệu các giống ngô mới cần được tiến hành song song với các chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân trong nước về phương thức canh tác phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả lợi ích các giống này và duy trì đa dạng sinh học bền vững.

Thứ hai, chúng ta có các định hướng, kế hoạch quy hoạch tổng thể để duy trì và tăng diện tích trồng ngô trong thời gian tới, tạo vùng sản xuất nguyên liệu ổn định cho nhu cầu trong nước. Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích để đưa các giống ngô có tính trạng tiên tiến ra thị trường, giúp nông dân Việt Nam có đầy đủ công cụ về giống như nông dân các nước trên thế giới. Vòng đời của một giống ngô thương mại trung bình nên khoảng 5 – 7 năm để có thể cho năng suất và chất lượng tốt, do đó cần liên tục đưa ra các giống ngô mới để bà con nông dân chủ động hơn và có nhiều lựa chọn để nâng cao năng suất và gia tăng thu nhập cho chính họ và gia đình.

Thứ ba, việc xây dựng các vùng nguyên liệu, cụ thể là trồng ngô cần tính tới phương án xây dựng chuỗi giá trị thích hợp với các khâu từ cung cấp giống và hướng dẫn canh tác, cho tới canh tác, thu mua và chế biến đều cần được liên kết trong chuỗi giá trị này để đảm bảo đầu ra và thu nhập bền vững cho nông dân trồng ngô, đồng thời cải thiện giá trị và chất lượng ngô sử dụng trong chuỗi TĂCN.

>> “Tại Việt Nam, ngô CNSH đã và đang chứng minh được lợi ích nổi bật về gia tăng năng suất cũng như cho hạt thương phẩm với chất lượng cải thiện hơn, tuy nhiên hiện tỷ lệ ứng dụng còn chưa cao”, ông Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Pháp chế Công ty Syngenta khu vực Châu Á, thành viên của Tổ chức CropLife tại Việt Nam cho biết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm

(Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *