Mỗi tháng, gia đình anh Phạm Đức Tuyền (Thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc, Di Linh, Lâm Đồng) nuôi 20 hộp tằm, xuất bán khoảng hơn 1 tấn kén. Với giá bán hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg kén, trừ chi phí sản xuất, gia đình thu về hơn 130 triệu đồng/tháng. Anh trở thành tỷ phú nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Anh Tuyền cho biết, nghề nuôi tằm gắn liền với gia đình anh khoảng 20 năm nay, ngày xưa nuôi tằm vất vả đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi nhưng hiện nay, nghề này nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người chăn nuôi nhàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nghề đòi hỏi nông dân phải nắm được đặc tính của tằm để có cách chăm sóc phù hợp.
Tổ hợp tác Trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Lạc là nơi các thành viên trao đổi kỹ thuật chăn nuôi cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm kén
Để chăm tằm đạt năng suất cao, anh Tuyền chia sẻ: nuôi tằm đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, kỹ thuật cao để quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén. Cụ thể, sau mỗi lần thu hoạch kén, cần vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ sạch sẽ. Vì vậy, sau khi nhập tằm giống về (tằm tuổi 3) phải cho ra nong (khoảng 3 – 4 nong/hộp tằm giống). Trước đó, nong đã được khử trùng, chùi rửa sạch sẽ, đây cũng là cách phòng bệnh cho tằm. Thời gian này, tằm còn nhỏ nên lá dâu được cắt thành sợi nhỏ trước khi cho tằm ăn. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, có cửa để không khí lưu thông, phủ kín mùng tránh ruồi, nhặng, côn trùng bay vào. Khi tằm ăn hết dâu trong nong thì tiếp tục cho ăn (ngày khoảng 4 lần). Tằm sang tuổi 4 được 2 ngày thì chuyển từ nong lên khay tằm. Lúc này, tằm được rải đều lên khay với mật độ vừa phải, để tiết kiệm diện tích, người nuôi làm nhiều khay với độ cao khác nhau, đồng thời, thiết kế có bánh trượt ra vào, để tiện cho tằm ăn. Khi tằm chín đều thì bắt bỏ lên né gỗ một con; khoảng 3 ngày sau đem kén ra phơi cho lên độ óng đẹp rồi đưa vào khuôn dập và thu hoạch kén. Như vậy, một chu kỳ nuôi tằm kéo dài từ 15 – 16 ngày.
Với diện tích khoảng 2,9 ha dâu cao sản, nhờ chăm sóc tốt có dâu lá liên tục, anh Tuyền nuôi xoay vòng, trung bình mỗi tháng, anh nuôi khoảng 20 hộp tằm, trừ chi phí nhân công mỗi lứa tằm cho thu lãi 130 triệu đồng/tháng, như vậy thu nhập bình quân hơn 1,5 tỷ đồng/năm, anh trở thành tỷ phú nhờ nghề truyền thống của gia đình. Hiện tại, anh Tuyền đang tiếp tục mở rộng diện tích sàn nuôi tằm lên 270 m2 và trồng thêm khoảng 1 ha dâu lai.
Khi nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh, anh Tuyền đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) Trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Lạc. Hiện tại, tổ hợp tác có khoảng 40 thành viên với diện tích 20 ha dâu cao sản, đây là nơi các thành viên trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, đổi dâu lá, liên kết thu mua kén giá cao.
“Những hộ ở địa bàn có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm, tôi sẵn sàng cung cấp cây – con giống tằm con, hướng dẫn kỹ thuật và mở đại lý bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường”, anh Tuyền cho biết.
Mỗi tháng, gia đình anh Tuyền thu mua trên 3 tấn kén cho bà con nuôi tằm trong xã với giá bán ổn định. Sản phẩm kén anh bán cho các xưởng ươm ở thành phố Bảo Lộc, Lâm Hà và một ít tại địa phương. Về nguồn giống cung ứng cho các hộ chăn nuôi anh lấy ở huyện Lâm Hà, đây là nguồn cung ứng giống tằm đảm bảo chất lượng nên các hộ nuôi tằm cho năng suất cao.
Ông Bùi Như Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết, so với năng suất và mặt bằng giá cà phê trong cùng thời điểm 4 năm vừa qua, thì trên 1 ha trồng dâu nuôi tằm giống mới tại Di Linh, bằng các biện pháp kỹ thuật mới, mỗi năm thu lợi nhuận cao hơn từ 2,5 đến 3 lần. Hiện tại, toàn xã có khoảng trên 55 ha với hơn 455 hộ trồng dâu nuôi tằm, năng suất ước tính 30 tấn/ha, sản lượng 1.671 tấn, hộ gia đình không có nhân công nuôi tằm việc bán lá dâu cũng có thu nhập. Hộ anh Tuyền là hộ đi đầu trong việc phát triển cây dâu tằm của xã, bản thân anh Tuyền siêng năng, chịu khó học hỏi, đồng thời, trong quá trình sản xuất tích lũy kinh nghiệm và áp dụng cái mới, cái hay mang lại năng suất, chất lượng cao. Gia đình anh trở thành hộ giàu của xã, nhiều hộ đã học hỏi theo để sản xuất nâng cao đời sống. Thời gian qua, giá kén tằm khá cao, ổn định trên 150.000 đồng/kg nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức chăn nuôi và trồng dâu giống mới như S7-CB, VA-201… cho hiệu quả, năng suất cao. Đây là nguồn thu nhập ổn định của người nông dân, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo, có diện tích đất canh tác nhỏ.
Hoàng Yên
Nguồn: Báo Lâm Đồng