(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030. Trong đó, 3 vùng an toàn dịch bệnh trên động vật sẽ được xây dựng gồm thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương và huyện Hàm Yên với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo, cúm gia cầm, bệnh dại.
Phát huy lợi thế
Đề án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, ATDB, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng thành công vùng chăn nuôi ATDB tại huyện Sơn Dương và Hàm Yên, tiến tới phát triển thêm các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, có chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, thu hút đầu tư chế biến sâu ngay tại địa phương phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, gắn việc xây dựng và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với việc xây dựng và chứng nhận các vùng chăn nuôi ATDB. Phấn đấu đến năm 2030, tại các địa phương triển khai thực hiện Đề án, tỷ trọng chăn nuôi tập trung, giá trị sản xuất chăn nuôi và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp tăng từ 3 – 5% so với trước khi thực hiện Đề án.
Huyện Sơn Dương được UBND tỉnh Tuyên Quang lựa chọn xây dựng vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo cổ điển. Ảnh: ST
Đáng chú ý, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2024 – 2030 của Đề án là hướng tới xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với các bệnh đã tiêm phòng đạt tỷ lệ quy định (cơ sở chăn nuôi tập trung tiêm phòng 100%; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% số gia súc trong diện tiêm phòng trở lên) tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang, trong đó ưu tiên tập trung: xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên trâu, bò tại huyện Hàm Yên; vùng ATDB đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo cổ điển tại huyện Sơn Dương; Đối với gia cầm, xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và dịch tả vịt tại huyện Hàm Yên; Đối với chó, mèo, xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh dại tại thành phố Tuyên Quang; Đối với các huyện còn lại thực hiện chứng nhận khi các cơ sở, vùng đạt yêu cầu theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Định hướng cụ thể
Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, các cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH). Đối với cơ sở có chuỗi chăn nuôi quy mô lớn, xuất khẩu, cần có kế hoạch ATSH áp dụng cho từng công đoạn của chuỗi sản xuất, lưu ý triển khai thực hiện nghiêm các nội dung như có quy trình thực hành trong chăn nuôi đảm bảo ATSH, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Hàng ngày, thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại, khu vực chăn nuôi. Ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp ATSH. Gắn việc xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới với quy hoạch phát triển chăn nuôi, và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh,…
Cùng đó, đảm bảo thực hiện phòng bệnh chủ động bằng vaccine. Hằng năm, UBND huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tiêm phòng trên địa bàn đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn cho số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng; các bệnh phải tiêm phòng là tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả heo, cúm gia cầm, bệnh Newcastle trên gia cầm, dịch tả vịt, dại. Đối tượng tiêm phòng gồm trâu, bò, heo, gà, vịt, ngan, chim cút. Trong đó, phạm vi tiêm phòng sẽ bao gồm toàn bộ các thôn, xã xây dựng vùng chăn nuôi ATDB, tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% đối với chăn nuôi tập trung và trên 80% đối với chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật, xây dựng, rà soát và điều chỉnh kế hoạch giám sát dịch bệnh hằng năm theo quy định của Luật Thú y và Bộ NN&PTNT. Lấy mẫu, xét nghiệm để giám sát sự lưu hành của các bệnh đăng ký công nhận ATDB theo quy định; Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi định kỳ; Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi ATSH. Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y
Đặc biệt, khi có dịch bệnh xảy ra, các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó theo các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật của UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và các quy định, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong quản lý vùng ATDB và hội nhập quốc tế. Dự kiến tiến độ xây dựng và chứng nhận các vùng chăn nuôi ATDB trong tỉnh Tuyên Quang sẽ chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2024 – 2026: Xác định quy mô, xây dựng, kiện toàn các vùng chăn nuôi ATDB, chuẩn bị điều kiện công nhận. Giai đoạn 2027 – 2030, thực hiện chứng nhận và duy trì các vùng chăn nuôi ATDB đã xây dựng, tiếp tục xây dựng và chứng nhận các vùng đủ điều kiện.
Thùy Khánh