Tuyên Quang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2022 nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ có những diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương, hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ vật nuôi một cách hiệu quả nhất.

Xã Hợp Thành (Sơn Dương) có số lượng vật nuôi chết nhiều nhất trên địa bàn huyện trong đợt mưa lũ cuối tháng 5 vừa qua. Toàn xã có 440 con gia cầm bị chết. Mưa lũ đã làm nguồn nước thải chăn nuôi tràn ra môi trường, cùng với thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Chính vì vậy, ngay sau mưa lũ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được địa phương nhanh chóng triển khai.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, ngay sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi vệ sinh môi trường, với phương châm nước rút đến đâu dọn và khử trùng ngay ở đó nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh có thể phát sinh. Đồng thời, xã tuyên truyền phổ biến tới người dân tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi; cung cấp đủ nước cho đàn vật nuôi, tránh không làm ẩm ướt nền chuồng, tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm lượng thức ăn tinh bột, đường trong khẩu phần. Thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định.

chăn nuôi tuyên quang

Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) rắc vôi bột và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chuồng nuôi ngay sau những ngày mưa lũ.

Gia đình ông Hoàng Văn Sang, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành bị thiệt hại nặng khi hơn 400 con gà bị chết. Ông Sang cho biết, hiện gia đình đã rắc vôi bột, dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi, phối hợp với xã đào hố, chôn gia cầm theo quy định, tránh ô nhiễm môi trường, chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm tái đàn, khôi phục hoạt động chăn nuôi.

Không chỉ huyện Sơn Dương, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động chỉ đạo phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền cơ sở nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn bà con chăn nuôi thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) có hơn 100 con vịt, 100 con gà. Đợt mưa lớn vừa qua khiến toàn bộ khuôn viên và một phần chuồng trại bị ngâm trong nước. Ngay sau khi nước rút, bà đã chủ động vệ sinh, khử trùng toàn bộ chuồng trại. Bà Thơm cho biết, gia đình đã thu gom chất thải, rác thải, rửa sạch sẽ trong và xung quanh khu vực chuồng trại; rắc vôi bột và thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm diệt khuẩn trong môi trường nuôi. Khi chuồng trại khô mới đưa đàn gia cầm vào lại chuồng. Đồng thời, tăng khẩu phần thức ăn và trộn một số loại thuốc phòng bệnh cho đàn gà, vịt nhằm tăng sức đề kháng để phòng bệnh có thể phát sinh sau lũ.

Ông Hà Công Dương, nhân viên Chăn nuôi và Thú y xã Hòa An cho biết, hiện tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã là hơn 85.000 con. Do mưa lũ, nguồn nước, môi trường xung quanh chuồng nuôi bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND xã đã chỉ đạo các thôn hướng dẫn các hộ tu sửa chuồng trại, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi. Khi nước rút các hộ phải nhanh chóng thu gom tàn dư để hạn chế dịch bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; có phương án di chuyển và chuẩn bị các địa điểm cao ráo, không bị ngập úng làm nơi dự phòng, nuôi tạm đàn vật nuôi trong thời gian bị ngập úng hoặc tu sửa chuồng trại do thiên tai gây ra; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng…

khử trùng chuồng nuôi

Người dân thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Theo thống kê Ngành nông nghiệp tỉnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 580 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lũ gây ngập lụt nhiều ngày đã làm cho môi trường chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng lo ngại là các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sau những ngày mưa lũ. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các huyện, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm với phương châm phát hiện nhanh, xử lý triệt để, kịp thời, tại chỗ không để lây lan rộng. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi đảm bảo 100% gia súc, gia cầm trong diện được tiêm phòng theo kế hoạch. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt công tác phòng bệnh chủ động; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xác định tác nhân gây bệnh trên đàn vật nuôi; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do điều kiện bất thường của thời tiết gây ra.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời điểm này đạt hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, VietGAHP trong chăn nuôi. Các hộ cần thường xuyên giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nếu thấy có biểu hiện bệnh cần khẩn trương báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để kịp thời xử lý.           

 Bài, ảnh: Lý Thu

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *