(Người Chăn Nuôi) – Trước áp lực ngày càng lớn về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đây không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà còn là chiến lược dài hạn giúp nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường quốc tế cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Xu hướng tất yếu của chăn nuôi hiện đại
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục đối mặt với hàng loạt thách thức, từ biến động giá cả, nguy cơ dịch bệnh đến yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu. Trong đó, đau đầu nhất chính là tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.
Để giải bài toán này, mới đây Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở và sản phẩm chăn nuôi. Hệ thống này cho phép giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, từ chăn nuôi, chế biến, thu gom đến tiêu thụ và xuất khẩu nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là câu chuyện quản lý nội địa, mà còn là yếu tố mang tính sống còn khi Việt Nam muốn thâm nhập các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản – những quốc gia có tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn bán tại siêu thị. Ảnh: ST
Với hệ thống này, mỗi sản phẩm chăn nuôi sẽ có một mã truy xuất riêng, cho phép người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thông qua điện thoại thông minh. Đây là bước tiến quan trọng để khẳng định chất lượng và thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Công cụ quản lý hiện đại và hiệu quả
Ngoài việc tăng tính minh bạch và đảm bảo chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc còn là “lá chắn” quan trọng giúp ngành chăn nuôi ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, khả năng xác định nhanh chóng nguồn gốc lô hàng và cơ sở sản xuất liên quan sẽ giúp cơ quan chức năng đưa ra biện pháp kiểm soát kịp thời, ngăn chặn sự lây lan.
Việc truy xuất rõ ràng còn giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, nâng cao tính chủ động trong phòng ngừa, kiểm dịch, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Minh bạch trong sản xuất chính là nền tảng để bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Khi người tiêu dùng có thể truy xuất đầy đủ thông tin từ trang trại đến bàn ăn, họ sẽ cảm thấy an tâm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chăn nuôi nâng cao uy tín, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp và chiếm lĩnh thị phần bền vững.
Đối với cơ quan quản lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc là một trong những công cụ quan trọng để giám sát, đánh giá và quản lý toàn diện chuỗi sản xuất. Thông qua hệ thống này, Cục Chăn nuôi và Thú y, các sở, ngành địa phương có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Rào cản cần vượt qua
Tuy mang lại nhiều lợi ích thiết thực, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu hạ tầng công nghệ cũng như chưa thực sự nhận thức được vai trò của truy xuất nguồn gốc. Đây là thách thức lớn nếu Việt Nam muốn xây dựng một hệ sinh thái chăn nuôi hiện đại, minh bạch và đạt chuẩn quốc tế.
Để vượt qua những rào cản trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ tiếp cận hệ thống truy xuất dễ dàng và chi phí thấp hơn. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân là yếu tố then chốt để hình thành một hệ thống truy xuất đồng bộ, hiệu quả và có tính liên kết cao.
Truy xuất nguồn gốc không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là bước đệm quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước chinh phục thị trường toàn cầu.
Thùy Khánh