Trung Quốc thay đổi tiêu chuẩn, sữa Việt chịu sức ép lớn

(Người Chăn Nuôi) – Trung Quốc thay đổi tiêu chuẩn về sữa tiệt trùng từ ngày 16/9/2025, chỉ chấp nhận sản phẩm được sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu, điều này sẽ gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sữa Việt Nam vốn đang sử dụng sữa hoàn nguyên làm nguyên liệu. 

Cụ thể, từ ngày 16/9/2025, Trung Quốc sẽ chính thức áp dụng Phụ lục sửa đổi số 1 đối với Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia liên quan đến sữa tiệt trùng (GB 25190-2010). Theo quy định mới, chỉ các sản phẩm sữa tiệt trùng được chế biến hoàn toàn từ sữa bò hoặc sữa dê tươi nguyên liệu mới được công nhận là “sữa tiệt trùng”. Những sản phẩm sử dụng sữa hoàn nguyên vốn là nguyên liệu phổ biến trong quy trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn được phép lưu hành dưới danh mục sản phẩm này tại Trung Quốc.

Trung Quốc thay đổi tiêu chuẩn

Sản phẩm sữa hạt cao cấp của Vinamilk xuất khẩu sang Trung Quốc có quy cách đóng gói và thiết kế bao bì khác biệt phù hợp với thị hiếu. Ảnh: ST

Thông tin do Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) công bố đã gây nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp sữa trong nước. Việc Trung Quốc bãi bỏ hoàn toàn quy định cho phép sử dụng sữa hoàn nguyên, đồng thời loại bỏ các điều khoản kỹ thuật liên quan đến loại nguyên liệu này và yêu cầu ghi nhãn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ít nhất 9 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sữa sang thị trường 1,4 tỷ dân này. 

Không chỉ là thay đổi mang tính kỹ thuật, động thái của Trung Quốc thể hiện rõ định hướng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm và siết chặt kiểm soát theo mô hình sản xuất “tuần hoàn kép”, trong đó ưu tiên sử dụng nguyên liệu tươi sống, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng đồng nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau ngày 16/9/2025, các sản phẩm có sử dụng sữa hoàn nguyên nếu không chuyển đổi kịp thời sẽ bị xếp vào nhóm “sữa pha chế” – phân khúc có mức độ tín nhiệm thấp hơn trong nhận thức của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu, khả năng cạnh tranh và tiềm năng tiêu thụ.

Trung Quốc là thị trường rất lớn và tiềm năng với dân số đông nhất thế giới, tổng giá trị thị trường sữa lên đến khoảng 30 tỷ USD/năm. Nguồn cung sữa trong nước của quốc gia này mới chỉ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa. Đáng lưu ý, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng ổn định, đặc biệt đối với phân khúc sữa tiệt trùng.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở khả năng chuyển đổi công nghệ, nguồn nguyên liệu và hệ thống hậu cần. Việc chuyển sang sử dụng hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống chuỗi lạnh từ trang trại đến nhà máy và hệ thống phân phối, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển và bảo quản.

Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ phải rà soát và điều chỉnh toàn bộ công thức sản phẩm, dây chuyền sản xuất, hồ sơ kỹ thuật, bao bì, nhãn mác và hệ thống mã HS để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc. Chi phí phát sinh từ việc chuyển đổi nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung sữa tươi chất lượng cao, đầu tư công nghệ và logistics… là gánh nặng không nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tác động tiêu cực từ quy định mới không chỉ dừng lại ở hoạt động xuất khẩu mà còn có khả năng lan rộng đến thị trường nội địa Trung Quốc. Việc đồng loạt áp dụng tiêu chuẩn cao hơn đối với tất cả các nhà sản xuất trong và ngoài nước sẽ làm thay đổi cán cân cung cầu, đồng thời định hình lại chuỗi giá trị ngành sữa tại thị trường này.

Trước tình hình đó, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Công nghiệp và Cục Xuất nhập khẩu, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách mới của Trung Quốc đối với ngành sữa. Đồng thời, cần đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về định hướng công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi, xúc tiến thương mại và chuyển đổi sản xuất nhằm thích nghi hiệu quả với quy định mới.

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *