(Người Chăn Nuôi) – 90% trang trại gà mái của Trung Quốc đang sử dụng chuồng truyền thống. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn tự tin rằng mô hình chuồng lồng sẽ bị xóa bỏ để trứng gà của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn hạnh phúc khi tới tay người tiêu dùng.
Người tiêu dùng – mắt xích quan trọng
Người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ xem xét giá cả khi đưa ra quyết định mua trứng, mà còn rất chú trọng đến kích cỡ, màu sắc của sản phẩm. Một số người tiêu dùng quan tâm đến giá trị dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, môi trường và mô hình chăn nuôi. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi và phúc lợi động vật không phải là những tiêu chí dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
Hầu hết các sản phẩm trứng được bán trong siêu thị và chợ. Ngoài thông tin trên bao bì, người tiêu dùng hoàn toàn không nắm bắt được thêm điều gì. Đôi khi vẫn xảy ra trường hợp gian lận nhãn hoặc gây hiểu lầm nếu bao bì không rõ ràng.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022 tại Trùng Khánh, thành phố lớn thứ 4 cuả Trung Quốc, người tiêu dùng tại đây có sở thích ăn trứng gà được dán nhãn “free-cage” và họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm này. Nghiên cứu này cho thấy những người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, phụ nữ mang thai và những hộ gia đình luôn có xu hướng lựa chọn trứng gà không chuồng, lồng. Trước đó, một nghiên cứu khác được thực hiện ở thành phố Giang Tô vào năm 2014 đã kết luận, hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trứng của người dân Trung Quốc là dinh dưỡng và không nuôi nhốt chuồng, lồng.
Mặc dù người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm đến trứng gà nuôi thả tự do (thả rông), nhưng thuật ngữ “cage-free” vẫn chưa thực sự phổ biến. Năm 2020, công ty tư vấn IQC và FAI Farms đã tiến hành khảo sát người tiêu dùng. Kết quả cho thấy 40,5% đã mua trứng gà thả rông, nhưng chỉ 6,3% cho biết đã mua trứng “cange-free”. Chính bản thân họ cũng không biết về sự trùng lặp khái niệm này.
Mặc dù thuật ngữ “cage-free” có thể chưa phổ biến, nhưng nhận thức của người tiêu dùng về phúc lợi động vật đã được nâng cao rõ rệt. Năm 2011, chỉ 1/3 người dân Trung Quốc tham gia khảo sát biết đến thuật ngữ phúc lợi động vật. Nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 3/4.
Rào cản sản xuất
Theo bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Canada tên tạp chí Animal Frontiers, nhu cầu đối với trứng gà không sử dụng chuồng, lồng (cage-free) tại Trung Quốc đang tăng dần. Năm 2020, số lượng gà mái tại Trung Quốc đạt 3,3 tỷ con. Mô hình nuôi gà đẻ rất đa dạng, nhưng phần lớn là hình thức nuôi nhốt.
Một số nhà sản xuất trứng tại Trung Quốc cho biết họ đang gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống không chuồng, lồng. Một trong những lo ngại đầu tiên là người tiêu dùng sẽ không chi nhiều tiền hơn cho những quả trứng không lồng.
Ngoài ra, còn nhiều trở ngại khác như người tiêu dùng không tin tưởng nhãn mác thực phẩm, thiếu đất đai, cùng nhiều hạn chế liên quan đến chính sách môi trường và quản lý hệ thống không lồng. Gỡ bỏ được những nút thắt này mới có thể khuyến khích các nhà sản xuất trứng chuyển sang mô hình “cage-free”.
Hiện tại, Trung Quốc chưa có luật hoặc quy định về phúc lợi động vật hoặc sản xuất trứng gà không lồng. Tuy nhiên, có nhiều tiêu chuẩn tự nguyện, chương trình an toàn kinh doanh, nhãn mác… có thể giúp cải thiện phúc lợi động vật ở các trại sản xuất trứng gà không lồng.
Ngoài ra, có hai tiêu chuẩn được xây dựng trong ngành gồm tiêu chuẩn sản xuất trứng gà không lồng. Cụ thể, các yêu cầu về phúc lợi động vật trang trại: gà mái dẻ, được giới thiệu vào năm 2017, tiếp theo vào năm 2021 thông qua Hướng dẫn đánh giá về sản xuất trứng gà không lồng. Các tiêu chuẩn năm 2017 đề cập dến phúc lợi động vật trong các hệ thống có lồng và không lồng; trong khi tiêu chuẩn 2021 tập trung vào hệ thống không lồng.
Các trang trại đều nhận định, trước khi chuyển sang hệ thống sản xuất trứng gà không lồng, họ cần phải hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, những chiến lược truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng và kiến thức về phúc lợi động vật.
Tuấn Minh
(Theo Worldpoultry)