(Người Chăn Nuôi) – Ngành nuôi heo Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển mình với năng suất dự báo tăng dần trong những năm tới. Những trang trại có chi phí sản xuất cao có thể bị đào thải trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Lấy lại cân bằng
Năm 2023, tình trạng sản xuất dư thừa khiến giá heo giảm, trung bình chỉ 2,20 EUR/kg hơi vào tháng 9. Tuy nhiên, một năm sau, giá đã tăng lên 2,60 EUR/kg, theo các nhà phân tích nhờ đà tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ từ năm 2020, sau đợt dịch tả heo châu Phi (ASF) gây thiệt hại nghiêm trọng. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành chăn nuôi Trung Quốc đã đầu tư mạnh để phục hồi và mở rộng sản xuất. “Từ năm 2020 trở đi, nuôi heo trở thành một ngành kinh doanh sinh lời”, Kyle Wang, Giám đốc Công ty Giống heo Topigs Norsvin tại Trung Quốc, nhận định.
Sự phục hồi của ngành chăn nuôi trong nước đã khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm phụ liên quan. Số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,2 triệu tấn sản phẩm thịt heo từ EU, giảm mạnh so với mức kỷ lục 3,3 triệu tấn vào năm 2020. Dù lượng nhập khẩu sụt giảm, Trung Quốc vẫn giữ vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các nhà sản xuất thịt heo châu Âu.
Nguy cơ khủng hoảng thừa
Theo ước tính, Trung Quốc hiện có khoảng 35 – 40 triệu heo nái, sản xuất khoảng 650 triệu heo thịt mỗi năm, theo Wang. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, trong năm 2024, Trung Quốc đã sản xuất 56,7 triệu tấn thịt heo.
Wang cho biết năng suất trung bình đạt 16,25 con heo thịt trên mỗi heo nái/năm. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các trang trại rất lớn: những trại nuôi chuyên nghiệp có thể đạt 25 heo thịt/heo nái/năm. Ông dự đoán năng suất sẽ tiếp tục tăng đều và trong vòng 10 năm tới, năng suất trung bình có thể đạt 25 con/heo nái/năm. Khi đó, chỉ cần 25 – 26 triệu heo nái cũng đủ để đáp ứng nhu cầu thịt heo trong nước. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ dư thừa sản lượng trong tương lai gần. Ngoài ra, chuồng trại hiện tại của Trung Quốc vẫn còn dư công suất. Khi giá heo tăng cao, nước này hoàn toàn có thể nhanh chóng đẩy mạnh sản lượng.
Maurice Goossens, chuyên gia dinh dưỡng chăn nuôi nuôi tại World Premix, Hà Lan cho biết, sau giai đoạn mở rộng mạnh mẽ từ năm 2020, các nhà sản xuất thịt heo Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang nâng cao năng suất và giảm chi phí từ năm 2023. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo kiến thức được truyền đạt đúng người, đúng nơi. Ông nhận định rằng, dù còn nhiều việc phải làm, ngành chăn nuôi heo Trung Quốc đang dần cải thiện công tác quản lý và nâng cao trình độ chuyên môn.
Goossens ví von: “Có rất nhiều xe đua tốt, nhưng lại thiếu những tay đua đủ giỏi”. Về chi phí sản xuất, Trung Quốc vẫn còn dư địa để tối ưu. Hiện nay, giá thành trung bình vào khoảng 2 EUR/kg trọng lượng sống, trong khi tại các trang trại tiên tiến, con số này có thể xuống còn khoảng 1,60 EUR/kg.
Cải thiện an toàn sinh học
Ảnh hưởng của ASF đối với ngành chăn nuôi heo tại Trung Quốc đã dần suy giảm. Nhờ những bài học rút ra từ các đợt bùng phát trước, mức độ an toàn sinh học tại các trang trại đã được nâng cao đáng kể.
Khi có dịch xảy ra, chỉ những con heo nhiễm bệnh mới bị tiêu hủy. Các chuồng trống sau đó được tái sử dụng bằng cách thả heo hậu bị vào nuôi. Hầu hết các doanh nghiệp lớn hiện nay đều sở hữu phòng thí nghiệm riêng để xét nghiệm virus ASF. Lý do khiến các nhà sản xuất lựa chọn cách làm này là vì chính quyền Trung Quốc không hỗ trợ bồi thường khi phải tiêu hủy heo bệnh.
Một thay đổi đáng chú ý khác là hoạt động sản xuất heo con đã chuyển dần về các vùng khí hậu ấm hơn, nơi có nguy cơ bùng phát ASF thấp hơn. Trong khi đó, khu vực phía Bắc Trung Quốc – nơi có nguồn cung thức ăn gia súc dồi dào – chủ yếu tập trung vào việc vỗ béo heo thịt. Theo Wang, chiến lược này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tuy vậy, ngành chăn nuôi vẫn đối mặt với thách thức lớn từ dịch bệnh và tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn. Những bệnh phổ biến như PRRS hay PED vẫn đang là mối lo ngại lớn.
Triển vọng sáng
Trung Quốc chiếm khoảng 25% sản lượng thịt heo toàn cầu, với 56,7 triệu tấn được sản xuất trong năm 2024, theo USDA.
Dù chưa có con số chính xác, số lượng trang trại nuôi heo có xu hướng giảm mạnh, trong khi quy mô từng trang trại lại tăng lên, với nhiều trang trại nuôi hàng nghìn con. Các trang trại quy mô lớn hiện đóng góp thêm 25% vào tổng sản lượng, trong khi các trang trại nhỏ (nuôi từ 100 đến 1.000 con heo nái) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và ngày càng giảm ảnh hưởng trên thị trường.
Để duy trì sức cạnh tranh, đặc biệt là với các trang trại vừa và nhỏ, chi phí sản xuất cần tiếp tục được cắt giảm. Goossens nhận định, thị trường thịt heo nội địa Trung Quốc cũng có thể biến động bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất heo tại Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp tiêm phòng tiên tiến hơn, như tiêm ngừa cho heo nái trước mùa dịch, nhằm giảm chi phí điều trị trong tương lai. Dù vậy, sản lượng heo trên mỗi nái tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng. Vì thế, nước này khó có khả năng quay lại nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm phụ nhiều như năm 2020, theo Wang.
Ngành chăn nuôi heo ở Trung Quốc đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có năng lực di truyền. Chẳng hạn, Topigs Norsvin đang xây dựng hai trung tâm nhân giống quy mô 1.200 con nái. Một trong số đó, hợp tác với Muyuan Foods, dự kiến bắt đầu nhập đàn giống từ giữa năm 2025. Đây chỉ là một phần trong chuỗi các dự án lớn đang được triển khai. Sau cùng, người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thịt heo. Thị hiếu này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu và góp phần duy trì đà phát triển của ngành.
Tuấn Minh
Theo International Pig