Nghe nhạc, ăn bã bia, tắm phun sương hằng ngày, hàng chục con trâu to tròn, béo mộng là kết quả phương thức nuôi trâu khác lạ của ông Hoàng Ngọc Rạng ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Từ trước đến nay, nông dân trong tỉnh chủ yếu nuôi bò theo hình thức thâm canh, vỗ béo mà hầu như chưa ai nuôi trâu theo hình thức này. Là một nông dân thực thụ, siêng năng, chăm chỉ, luôn tìm tòi, học hỏi, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, ông Rạng đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trâu thâm canh có quy mô, bài bản. Với cách nuôi trâu khác lạ, chưa ai làm về thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh, chỉ trong vòng một năm mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho người nông dân.
Ông Rạng cho biết, qua tìm hiểu trên internet và bạn bè, đồng đội từ các tỉnh khác, đầu năm 2020, ông mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi trâu thâm canh, vỗ béo. Mô hình nuôi trâu vỗ béo mà ông Rạng đang làm là nuôi nhốt hoàn toàn. Những con trâu to, gầy ốm được mua về sau đó tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, tẩy giun sán và cho ăn theo chế độ riêng. Trâu đưa vào nuôi vỗ béo đều là trâu đực, khi mới mua về phải nuôi riêng biệt ở một chuồng khác để theo dõi sức khỏe, dịch bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Với 2 dãy chuồng diện tích khoảng 150 m2 , 1 kho chứa thức ăn được xây dựng kiên cố, mỗi đợt ông Rạng nuôi từ 20 – 30 con trâu. Mỗi con trâu nuôi theo hình thức này tầm 3 tháng là có thể xuất bán với giá từ 40-60 triệu đồng, cho lãi bình quân hơn 5 triệu đồng/con.
Ông Hoàng Ngọc Rạng đang giới thiệu kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo cho khách – Ảnh: Anh Vũ
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, ông Rạng trồng 1 mẫu cỏ voi, dự trữ 10 tấn rơm khô. Đặc biệt, để trâu phát triển nhanh, ông liên hệ với các nhà máy bia mua bã bia với giá 1 triệu đồng/tấn về cho trâu ăn. Những con trâu mới mua về ban đầu không chịu ăn bã bia nhưng sau 3 đến 4 ngày không cho ăn bất kỳ loại thức ăn nào để buộc chúng phải ăn và quen dần. Trâu nuôi theo hình thức này mỗi ngày cho ăn 2 lần với khoảng 50 kg thức ăn hỗn hợp cỏ, rơm, bã bia, trong đó bã bia 25 kg. “Nuôi trâu theo hình thức thâm canh, vỗ béo này không khó, quan trọng là tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; phải có đủ nguồn nước sạch để cho trâu uống và tắm hằng ngày. Đặc biệt việc cho ăn bã bia trâu phát triển nhanh vì đây là loại thức ăn không những bổ sung đạm mà thành phần chất xơ trong bã bia rất dễ tiêu hóa nhờ có tác dụng kích thích vi sinh vật phân giải xơ trong dạ dày trâu”, ông Hoàng Ngọc Rạng chia sẻ.
Ngoài chế độ thức ăn, chuồng trại phải luôn được vệ sinh hết sức sạch sẽ. Chất thải của trâu được dọn ngay đưa ra khu vực riêng để làm phân chuồng bón lại cho cỏ và các loại cây trồng khác. Chuồng được xây dựng thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Đặc biệt được lắp đặt hệ thống tưới phun sương để trâu tắm trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, ông Rạng cũng lắp thêm hệ thống âm thanh để mở nhạc hằng ngày cho trâu nghe như hình thức nuôi bò Kobe của Nhật Bản. “Hiện nay thị trường đầu ra đối với trâu rất dễ, nuôi không kịp để bán. Ngoài một số ít bán tại địa phương, phần lớn đều nhập cho các thương lái xuất bán đi Trung Quốc”, ông Rạng cho biết thêm.
Với cách nuôi này, trong năm đầu tiên gia đình ông Rạng đã xuất bán ra thị trường gần 100 con trâu, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Mô hình cũng đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động.
Trong thời gian tới, gia đình ông Rạng dự định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi với số lượng lớn hơn để nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên ông cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ diện tích đất trồng cỏ; các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi; được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi trâu bò để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn. “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi trâu thâm canh, vỗ béo của ông Hoàng Ngọc Rạng. Đây là mô hình tiêu biểu trong hội viên nông dân huyện, với cách nuôi mới, sáng tạo đã mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở địa phương. Hội sẽ đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng để ông Hoàng Ngọc Rạng mở rộng quy mô. Đồng thời xem đây là mô hình điểm để nhân rộng trong hội viên”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh cho biết.
Thời gian gần đây, mô hình nuôi trâu vỗ béo của ông Hoàng Ngọc Rạng được nhiều người đến tìm hiểu, học tập, ông Rạng cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để mọi người cùng nhân rộng. Với nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp như Quảng Trị thì cách nuôi này sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở địa phương.
Anh Vũ
Nguồn: Báo Quảng Trị