Nuôi heo rừng đang là mô hình chăn nuôi có nhiều tiềm năng phát triển và được người dân ở nhiều địa phương lựa chọn. Với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá bán cao, đầu ra ổn định… nuôi heo rừng đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mô hình nuôi heo rừng của anh Hà Quốc Ninh là một điển hình.
Heo rừng dễ nuôi
Anh Hà Quốc Ninh đến với mô hình nuôi heo rừng rất tình cờ. Trong một lần xem trên YouTube, nhận thấy mô hình nuôi heo rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cộng với đặc tính dễ nuôi, ít bệnh… phù hợp để chăn nuôi quy mô nhỏ nên anh Hồ Quốc Ninh quyết định triển khai thực hiện mô hình. Năm 2020, anh Ninh bắt tay vào xây dựng chuồng trại, đồng thời mua heo giống tại địa phương về chăn nuôi. Anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi khác và tìm kiếm thông tin về kỹ thuật nuôi heo rừng trên các phương tiện truyền thông. Anh Ninh chia sẻ: “Mô hình nuôi heo rừng đã có hộ thực hiện ngay tại địa bàn xã. Đây là mô hình chăn nuôi không mới nhưng thị trường rất tiềm năng, giá bán cao, đầu ra ổn định… nên tôi quyết định thực hiện”.
Nhờ tích cực trau dồi kiến thức nên việc chăn nuôi đạt nhiều kết quả khả quan. Theo anh Ninh, heo rừng dễ nuôi, tuy nhỏ con nhưng sức đề kháng tốt nên rất ít khi bị bệnh. “Thời điểm heo được 1 tháng tuổi tiến hành tiêm ngừa 1 lần bằng vaccine “5 trong 1”. Từ đó đến lúc trưởng thành, heo rừng hầu như không xuất hiện bệnh, qua đó giúp người nuôi giảm đáng kể chi phí” – anh Ninh thông tin.
Mô hình nuôi heo rừng đã giúp gia đình anh Hà Quốc Ninh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Heo rừng là động vật ăn tạp nên có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Từ rau, củ đến các loại cây trồng khác, như: Chuối, cỏ voi, tấm… nên người chăn nuôi dễ dàng lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, nuôi heo rừng không mất nhiều chi phí con giống. Bởi vì trong quá trình nuôi, chỉ cần đầu tư nguồn vốn ban đầu, sau đó có thể tự phát triển đàn heo. Mỗi năm, heo rừng đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6 – 10 con. Do đó, ngoài bán thịt, người nuôi heo rừng còn bán con giống để nâng cao thu nhập.
Hiện nay, diện tích nuôi heo rừng của anh Ninh khoảng 48 m2, được chia thành 8 hộc, mỗi hộc thả 1 con heo mẹ. Trên chuồng cần được che cẩn thận nhằm hạn chế những tác động của thời tiết đối với sự sinh trưởng và phát triển của heo.
Giá bán cao, đầu ra ổn định
Trong khi nhiều hộ nuôi heo thịt truyền thống thường lo lắng về giá cả thị trường thiếu ổn định, chi phí đầu tư cao, dễ mắc bệnh thì anh Hà Quốc Ninh an tâm hơn, vì nuôi heo rừng chi phí thấp, thị trường dễ tiêu thụ hơn. Heo con sau khi tách mẹ khoảng 6 tháng thì có thể xuất bán cho thương lái. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con heo rừng đạt từ 25 – 30 kg. Với giá bán dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, mỗi con heo anh Ninh thu về 3 – 4 triệu đồng.
Giá bán cao trong khi chi phí bỏ ra không đáng kể nên lợi nhuận mang lại tương đối khả quan. Ngoài việc bán heo thịt, anh Ninh còn làm heo quay và lạp xưởng để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các sản phẩm này được người dân địa phương ưa chuộng. “Đến nay, sau hơn 2 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi heo rừng, tôi cảm thấy hài lòng vì mô hình mang lại nguồn thu nhập lý tưởng so với các mô hình chăn nuôi khác. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mô hình để tạo thêm thu nhập cho gia đình” – anh Ninh chia sẻ.
Năm 2021, anh Hà Quốc Ninh được Xã đoàn Phú Thạnh hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng. Bí thư Xã đoàn Phú Thạnh Đỗ Thị Yến Nhi đánh giá, mô hình chăn nuôi heo rừng của anh Hà Quốc Ninh là mô hình khép kín từ việc sản xuất con giống đến xuất bán ra thị trường. Mô hình được đánh giá cao và chọn tham dự Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cấp huyện năm 2021. “Mô hình nuôi heo rừng của anh Hà Quốc Ninh cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mô hình hiện đang được khuyến khích, mở rộng tại địa phương trong thời gian tới. Ngoài trường hợp của anh Ninh, trong xã có nhiều hộ phát triển mô hình tương tự để cải thiện thu nhập cho gia đình” – Bí thư Xã đoàn Phú Thạnh Đỗ Thị Yến Nhi chia sẻ.
Với hiệu quả từ mô hình nuôi heo rừng, xã Phú Thạnh đã có thêm hướng phát triển mới trong chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, nông dân có nhiều lựa chọn hơn về các mô hình sản xuất để áp dụng vào điều kiện thực tế gia đình. Thời gian tới, anh Hà Quốc Ninh dự định tìm đơn vị để liên kết sản xuất; phát triển mô hình nuôi heo rừng theo hướng bài bản hơn, để cung ứng sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Đức Toàn
Nguồn: Báo An Giang