(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa có văn bản số 6653/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện nội dung của Nghị định thư xuất khẩu cá sấu nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (viết tắt là Nghị định thư) đã được ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TCHQ Trung Quốc), chính thức có hiệu lực từ ngày 19/8/2024.
Việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được Nghị định thư là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, việc tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng các nội dung của Nghị định thư là rất quan trọng, cần thiết và cần có sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu xuất khẩu cá sấu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Xuất khẩu cá sấu sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người nuôi cá sấu của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Trang trại cá sấu nuôi với khuôn viên rộng 8.000 m2 tại phường Thạnh Lộc, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân
Để có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nuôi cá sấu của Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và doanh nghiệp có liên quan tại địa phương chủ động, phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức triển khai những nội dung sau:
Đối với các địa phương
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động nuôi cá sấu trên địa bàn tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nghiệm ngành nuôi cá sấu và đặc biệt được chấp thuận xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc.
Đối với công tác quản lý nuôi cá sấu
Tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, thực hiện quy hoạch nuôi cá sấu, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi cá sấu, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi cá sấu.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở nuôi cá sấu hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; lập danh sách các cơ sở đáp ứng yêu câu gửi Bộ NN&PTNT (đầu mối là Cục Thú y) để được hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên cá sấu
Chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở nuôi cá sấu tuân thủ đầy đủ các quy trình, biện pháp vệ sinh thú y và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cá sấu, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn cá sấu nuôi, đặc biệt là đối với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE/WOAH), yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực triển khai giám sát để chứng minh trong vùng nuôi nuôi cá sấu, cơ sở nuôi cá sấu không có các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư (bao gồm các bệnh do: virus West Nile Fever, virus Crocodilian Herpesviruses và bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella). Phòng, chống nhập lậu, vận chuyển trái phép, hợp thức hóa nguồn gốc cá sấu từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nuôi cá sấu, phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh trên cá sấu, quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp, người nuôi và xuất khẩu cá sấu
Tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nhiệm ngành nuôi cá sấu và thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu tại Nghị định thư để được chấp thuận xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc
Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của cơ sở nuôi, cơ sở cách ly, quản lý, vận chuyển,… bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi cá sấu. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương tổ chức triển khai giám sát để chứng minh tại cơ sở nuôi, cơ sở cách ly cá sấu không có các loại dịch bệnh theo yêu câu tại Nghị định thư (bao gồm các bệnh do virus West Nile Fever, virus Crocodilian Herpesviruses và bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella).
Đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý, theo dõi hàng ngày, kiểm tra lâm sàng từng cá thể và lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh cá sấu khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm và không dương tính với các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, tài liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu. Ngoài ra, cần có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu cá sấu Trung Quốc. Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Thùy Khánh