Thời gian gần đây, tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi đang phát triển. Nhiều nông dân đã đầu tư công sức, tiền của để xây dựng những trang trại có quy mô lớn để chăn nuôi nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.
Theo chân cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của gia đình anh Hà Duy Hưng (ấp Nhân Trung, xã Xuyên Mộc). Gia đình anh Hưng hiện đang nuôi gà gia công cho Công ty Emivest (Malaysia). Theo mô hình này, Công ty Emivest sẽ đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; còn người chăn nuôi đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Sau thời gian nuôi 45 – 50 ngày, công ty đến thu lại gà thành phẩm và người chăn nuôi được hưởng lãi theo sản phẩm. Anh Hưng cho biết, lợi thế của việc nuôi gia công theo mô hình này là độ an toàn dịch bệnh cao do được cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Tiền giống, thức ăn, thuốc được công ty cung cấp, người nuôi cũng không phải lo đầu ra sản phẩm. Từ năm 2012, anh Hưng đầu tư trang trại với số tiền gần 4 tỷ đồng, diện tích gần 3.000m2, quy mô nuôi 30 ngàn con/lứa theo mô hình chuồng lạnh. Bình quân sau mỗi lứa, trừ chi phí cho thu nhập từ 250 – 270 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh hiện đang tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại trang trại nuôi heo của gia đình bà Trần Thị Kim Phượng (ấp 4, xã Bưng Riềng), với diện tích 3.000m2, đang nuôi 60 heo nái và 600 heo thịt. Trung bình mỗi tháng, trang trại của bà xuất chuồng gần 300 tấn heo hơi cung cấp cho thị trường toàn huyện, trừ chi phí bà có thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng. Bà Phượng cho biết, nuôi theo hướng trang trại tuy chi phí đầu tư cao cho chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải… nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Cụ thể, nuôi số lượng nhiều, bình quân chi phí cho 1 con heo nuôi từ lúc mới đẻ cho đến xuất chuồng (6 tháng) chi phí hết khoảng 1 triệu đồng/con, còn với chăn nuôi cá thể từ 1,5 – 1,6 triệu đồng. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại được xây dựng sạch sẽ, khô ráo giúp heo hạn chế bị dịch bệnh hơn.
Công nhân kiểm tra tình trạng phát triển của gà tại trang trại gia đình anh Hà Duy Hưng.
Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, phong trào làm kinh tế trang trại chăn nuôi đang phát triển mạnh ở các xã trên địa bàn huyện. Loại hình trang trại chủ yếu hiện nay là chăn nuôi gia công với hình thức hợp tác với các công ty chăn nuôi lớn như CP, Japfa, Emivest… chiếm khoảng hơn 60%. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 60 trang trại gia súc gia cầm đi vào hoạt động theo hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chiếm tổng diện tích khoảng gần 900ha. Trong đó, 35 trang trại chăn nuôi heo (17 trang trại quy mô lớn, 12 trang trại vừa và 6 trang trại nhỏ); 25 trang trại chăn nuôi gà (9 trang trại quy mô nhỏ dưới 5.000 con, 13 trang trại quy mô vừa 5.000 – 20.000 con, 3 trang trại quy mô lớn hơn 20.000 con). Từ đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ở một số xã như Bưng Riềng, Hòa Bình, Xuyên Mộc…
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững, cũng theo ông Hùng, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai xây dựng mô hình, dự án điểm có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn vệ sinh dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường thông tin hỗ trợ các chủ trang trại; tạo điều kiện cho người dân có thể vay vốn các ngân hàng để phát triển chăn nuôi; phát triển trang trại tổng hợp, hướng dẫn nhân dân xây dựng chuồng trại khoa học, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh; hướng dẫn các chủ trang trại tăng cường sự liên kết theo hình thức hiệp hội, tổ hợp sản xuất, nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Theo Quyết định của UBND tỉnh đến năm 2020, huyện Xuyên Mộc được phê duyệt quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp với diện tích khoảng 8.750ha. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Hùng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay huyện đang gặp khó khăn trong việc cấp phép cho các hộ để đầu tư xây dựng phát triển trang trại khi huyện chưa có bản đồ quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại địa phương; các thủ tục về cấp phép chăn nuôi chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho việc hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện theo quy định.
Ngô Thanh
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu