Trà Vinh: Vận động hộ chăn nuôi tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi

Trong những tháng cuối năm, nhiều hộ chăn nuôi sẽ tái đàn nhằm tạo nguồn cung ứng cho thị trường phục vụ dịp lễ, tết Nguyên đán, nên theo dự đoán, đàn heo có thể phát triển lên tổng đàn khoảng 350.000 – 360.000 con.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, tính đến đầu tháng 11, đàn heo của tỉnh có khoảng 305.000 con. Trong những tháng cuối năm, nhiều hộ chăn nuôi sẽ tái đàn nhằm tạo nguồn cung ứng cho thị trường phục vụ dịp lễ, tết Nguyên đán, nên theo dự đoán, đàn heo có thể phát triển lên tổng đàn khoảng 350.000 – 360.000 con.

Trong khi đó, vào dịp cuối năm, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Đến nay, dịch tả heo châu Phi đã có vaccine phòng bệnh nhưng chưa được tiêm phòng rộng rãi trên đàn heo của tỉnh nên nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh.

tiêu độc khử trùng

Lực lượng thú y vệ sinh tiêu độc khử trùng tại một ổ dịch tả heo châu Phi ở huyện Càng Long.

Để bảo vệ đàn heo nuôi trong tỉnh, cùng với việc tích cực vận động nông hộ tiêm phòng, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với ngành chức năng, các địa phương chủ động giám sát dịch tả heo châu Phi, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm từ heo, không để tình trạng mua bán, giết mổ heo bệnh mang ra bán tại các chợ làm lây lan dịch bệnh.

Các đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, hướng dẫn người chăn nuôi nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hại và lây lan của dịch tả heo châu Phi. Người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán, giết mổ, vứt xác heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường tự nhiên; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật,… Ngành nông nghiệp khuyến khích nông hộ chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ; phấn đấu tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Việc tiêm phòng phải có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, thời điểm tiêm là lúc đàn heo thịt khỏe mạnh, từ 04 tuần tuổi trở lên, dùng một liều duy nhất với thời gian bảo hộ kéo dài tối thiểu 05 tháng.

Dịch tả heo châu Phi lần đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào năm 2019 đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi địa phương. Chỉ từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, ngành chức năng tỉnh đã tiêu hủy hơn 86.000 con heo mắc bệnh tả heo châu Phi của 3.911 hộ, với tổng trọng lượng gần 4.000 tấn. Tỉnh Trà Vinh đã bố trí kinh phí  hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh tả heo châu Phi phục hồi sản xuất.

Tin, ảnh: Thanh Hòa

Nguồn: Báo Trà Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *